Cúm gia cầm: Tỉnh giấc “ngủ đông”
Thế giới - Ngày đăng : 07:49, 06/01/2011
Hàn Quốc cách ly những trang trại nhiễm cúm gia cầm nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. |
Giật mình với ca bệnh đầu tiên của loại virus nguy hiểm này tại Hong Kong (Trung Quốc) từ trung tuần tháng 11-2010, mức cảnh báo về sự trở lại của dịch bệnh được nâng lên cao hơn sau khi Hàn Quốc vừa lên tiếng xác nhận đợt bùng phát cúm gia cầm đầu tiên ở nước này trong hơn hai năm qua. Virus H5N1 được phát hiện tại hai nông trang nuôi gia cầm ở thành phố Cheonan thuộc miền Trung nước này và tại thành phố Iksan ở miền Tây nam làm Hàn Quốc thành điểm nóng của ổ dịch mới. Lập tức cách ly hai trang trại, tiêu hủy hơn 100.000 con gà, vịt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời nâng cảnh báo dịch cúm từ "chú ý" lên mức "thận trọng", nhà chức trách nước này đã phát đi tín hiệu đỏ về độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Sự thận trọng đó được hy vọng sẽ tránh những tổn thất nặng nề về kinh tế mà Hàn Quốc phải gánh chịu trong ba lần bùng phát dịch cúm và đợt gần đây nhất là vào tháng 4-2008. Trong thảm họa ngoài ý muốn này, Seoul đã phải ngậm ngùi tiêu hủy số gia cầm lên tới 8,46 triệu con với mức thiệt hại ước tính là 264 tỷ won (khoảng 220 triệu USD). Bên cạnh đó, trong bối cảnh đang phải căng mình đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của dịch lở mồm long móng với 74 ca bệnh tại nhiều thành phố, nếu không kiểm soát được cúm gia cầm cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế mới thoát khỏi khủng hoảng của Hàn Quốc khó tránh khỏi những tác động tiêu cực. Ước tính sẽ có hơn 660.000 con trâu, bò, lợn và các loại gia súc có móng chẻ khác đã hoặc sẽ bị thiêu hủy một khi dịch bệnh bùng nổ ở xứ sở Kim Chi, đưa thiệt hại lên tới hơn 400 tỷ won (350 triệu USD). Đây chắc chắn không phải là một thông tin dễ chịu cho Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak.
Thế nhưng, bất chấp sự cảnh giác cao độ với các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ, có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh chết người này đang đồng loạt tấn công nhiều nước. Chính quyền tỉnh Kagoshima, một trong những trung tâm nuôi gia cầm lớn nhất Nhật Bản vừa xác nhận một con sếu hoang ở công viên quốc gia của thành phố Izumi chết vì virus H5N1. Cùng với thông báo từ Campuchia về ổ dịch tại huyện La-ak thuộc Kampong Cham với 143 con gia cầm đã chết do loại virus này, Ai Cập cũng công bố một trường hợp nhiễm cúm H5N1 vừa tử vong ngay trong những ngày đầu năm mới. Người ta bắt đầu thấy thấp thoáng bóng đen của đợt dịch tồi tệ ở cấp độ toàn cầu.
Thành công của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực loại trừ cúm gia cầm ở gần như toàn bộ 63 quốc gia bị lây nhiễm vào đỉnh cao của đại dịch năm 2006 mang đến niềm tin rằng con người có thể kiểm soát được dịch bệnh nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia. Song, những gì đang diễn ra một lần nữa khẳng định lại khuyến cáo của Tổ chức Lương nông (FAO) của LHQ rằng, mặc dù từ năm 2009, mối quan tâm của thế giới đã chuyển trọng tâm sang cúm A/H1N1, nhưng H5N1 vẫn tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người và ngành chăn nuôi chừng nào nó còn tồn tại ở một quốc gia. Một sự chủ quan sẽ gây ra những hậu quả tai hại. Những con số trong đợt bùng phát cúm gia cầm 5 năm trước với 292 người thiệt mạng, 260 triệu gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy và thiệt hại 20 tỷ USD đã nói lên nhiều điều.
Do vậy, việc chuẩn bị đầy đủ nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh của từng chính phủ là vô cùng quan trọng nhằm chặn đứng sự lan tràn của bệnh dịch trên phạm vi rộng lớn. Đặc biệt khi những đàn chim di trú tránh rét trong mùa Đông luôn được nhìn nhận là yếu tố lây truyền virus và sự kết hợp giữa cúm gia cầm với cúm A/H1N1 hoặc cúm theo mùa thành những biến thể nguy hiểm hơn vẫn là một nguy cơ để ngỏ.