Vẫn chỉ một điểm sáng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 06/01/2011
Đa dạng, sinh động hơn
Việt Nam là thị trường hàng không nhiều tiềm năng với hơn 80 triệu dân, nền kinh tế tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ấn tượng, mức sống ngày càng nâng cao. Đó là chưa kể, với hàng loạt di sản vật thể, phi vật thể đã và đang được thế giới công nhận, an ninh, chính trị ổn định, Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế. Một loạt hãng hàng không tư nhân đã nắm bắt thời cơ ra đời, được cấp phép hoạt động, nhanh chóng tiếp cận thị trường. Ngoài Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vốn đã quen thuộc, hai hãng hàng không tư nhân gồm Indochina Airlines và mới đây là AirMekong cất cánh. Mặc dù tiềm năng lớn nhưng thị trường hàng không vẫn là "mảnh đất dữ" đối với các hãng tư nhân. Sau một thời gian hoạt động, Indochina Airlines vốn có lợi thế rất lớn nhờ "thương hiệu" của ông chủ, nhạc sỹ Hà Dũng, đã gặp rất nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất để rồi phải ngừng bay. Hãng hàng không tư nhân xin được giấy phép sớm nhất là Vietjet Air thì liên tục phải lùi thời hạn thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên. AirMekong mới hoạt động được thời gian ngắn và chưa thể nói lên điều gì. Theo các chuyên gia, để "chơi" được trong ngành vận tải hàng không, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tốt cho cuộc đua đường trường. Đây là lĩnh vực không thể làm ào ào theo kiểu "ăn xổi, ở thì" đặc biệt là khi Việt Nam hiện thiếu nhân lực hàng không lành nghề. Tất cả các hãng, kể cả Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vẫn phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố nước ngoài, đặc biệt là những yếu tố quyết định tới chi phí dịch vụ vận chuyển. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không hiện chưa thực sự tốt, ảnh hưởng đến vận hành, khai thác của các hãng. Đó cũng là lý do trong chiến lược phát triển của mình, Vietnam Airlines bắt đầu "mạnh tay" sang những lĩnh vực khác như: đào tạo phi công, mua, cho thuê máy bay...
Le lói một điểm sáng là chưa đủ
Với lợi thế cạnh tranh lớn, truyền thống, kinh nghiệm lâu năm, chiến lược đầu tư bài bản, Vietnam Airlines tiếp tục nổi trội và khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực vận tải đặc biệt này. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, năm 2010, dù vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng hãng đã vận chuyển hơn 12,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 36,2 nghìn tỷ đồng. Sau khi "mất trắng" khoảng 1 nghìn tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá giữa VND và USD, hãng lãi chừng 350 tỷ đồng. Các khoản nợ tồn đọng trước đây đã cơ bản được giải quyết và số tài khoản kết dư của hãng ở khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Ông Minh thừa nhận, so với một số hãng lớn tại châu Á (lãi hơn 1 tỷ USD/năm) thì mức lãi của Vietnam Airlines còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước vẫn khó khăn, vừa kinh doanh vừa linh hoạt hiện đại hóa đội bay, đây là kết quả đáng khích lệ. Toàn bộ đội máy bay ATR72-200 đã được trả cho nhà sản xuất để "đổi" lấy đội máy bay ATR72-500 mới, tiết kiệm nhiên liệu, hoạt động hiệu quả hơn. Với đội máy bay trẻ, gồm 70 chiếc hiện đại như Boeing 777, Airbus 330, Airbus 320/321… Vietnam Airlines có nhiều thuận lợi trong việc khai thác hiệu quả một loạt đường bay mới mở, đáng chú ý có đường bay Hà Nội - Vinh; Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - Thượng Hải… Việc gia nhập Liên minh Hàng không toàn cầu (Sky Team) giúp Vietnam Airlines mở rộng ảnh hưởng, vươn tới nhiều thị trường khác. Đây cũng là thuận lợi lớn cho hãng trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế đi nội địa so với các hãng trong nước.
Không chỉ đầu tư hiện đại hóa đội máy bay, Vietnam Airlines đã đầu tư mạnh cho phát triển nhân lực, trong đó có việc đào tạo phi công cơ bản ngay trong nước; sửa chữa, bảo dưỡng máy bay thân rộng… Với sự chủ động này, Vietnam Airlines sẽ giảm bớt những rủi ro trong hoạt động vận tải hàng không và có những bước đi vững chắc.
Nhưng đó mới chỉ là Vietnam Airlines và ngành vận tải hàng không Việt Nam chưa thể cất cánh nếu chỉ có một Vietnam Airlines. Mục tiêu của Vietnam Airlines trong thời gian tới là vươn lên vị trí số 2 Đông Nam Á có thể trở thành hiện thực, nhưng với cả ngành vận tải hàng không Việt Nam lại là câu chuyện khác. Chỉ một hãng mạnh chưa đủ làm nên một ngành hùng mạnh. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các hãng hàng không khác.