Dùng lồng thức ăn hoặc bè nổi để bắt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm
Xã hội - Ngày đăng : 13:44, 05/01/2011
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP, Sở KH-CN đã kiểm tra hiện trường, thành lập tổ công tác liên ngành và xây dựng kế hoạch, phương án tuyên truyền, xử lý rùa tai đỏ tại Hồ Hoàn Kiếm.
Sở cũng đã chủ trì cuộc họp liên ngành và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học về đặc tính sinh học của rùa tai đỏ, xem xét các đề xuất giải pháp bắt rùa tai đỏ và phương án tuyên truyền người dân về tác hại của rùa tai đỏ đối với hệ sinh thái của hồ Hoàn Kiếm.
Theo tài liệu tại tạp chí khoa học của nước ngoài và ý kiến của các nhà khoa học thì rùa tai đỏ lúc còn nhỏ ăn thịt, lúc lớn thì ăn thực vật là chủ yếu. Thức ăn của chúng có thể bao gồm côn trùng dưới nước, cá con, côn trùng trên cạn, tôm, cua, động vật có xương sống nhỏ.
Rùa tai đỏ là động vật ăn tạp. Chúng không thể ở lâu dưới nước như ba ba, mà phải ngoi lên mặt nước để thở. Tuy nhiên, khi có chuyển động, chúng nhanh chóng rúc xuống bùn... Tuy nhiên, một số thông tin khác như việc rùa tai đỏ gặm mai Cụ Rùa... thì chưa đủ cơ sở khoa học, cần kiểm chứng.
Do rùa tai đỏ ngày càng xuất hiện nhiều tại hồ Hoàn Kiếm, Sở KH-CN đề xuất xây dựng kịch bản tuyên truyền về tác hại của rùa tai đỏ đối với hệ sinh thái của Hồ Hoàn Kiếm và các văn bản liên quan nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, lưu giữ, vận chuyển, nuôi rùa tai đỏ và phóng sinh xuống hồ.
Các phương pháp bắt rùa tai đỏ được đề xuất theo 2 cách: bắt bằng lồng đặt chìm dưới nước hoặc dùng bè nổi có mòi dẫn dụ và lưới. Tuy nhiên, dùng loại lồng, lưới, bẫy nào, loại mồi dẫn dụ nào, lượng bao nhiêu, đặt ở vị trí nào cần phải được nghiên cứu và thử nghiệm tại một hồ của Hà Nội trước khi triển khai tại Hồ Hoàn Kiếm.
Việc nghiên cứu, chế tạo thiết bị bắt rùa tai đỏ và mồi dẫn dụ phải bảo đảm yêu cầu không gây vẩn đục, không ảnh hưởng đến Rùa quý và hệ thực vật thủy sinh của Hồ, bảo đảm mỹ quan, hiện đại, dễ thao tác.