Ấm lòng người biên cương
Giới trẻ - Ngày đăng : 11:10, 05/01/2011
1. Mới ra khỏi huyện lỵ Mường Tè 7-8 cây số thì xe của báo Hànộimới đã gặp sự cố khi vượt một bãi ngầm lổng chổng đá hộc thuộc xã Bum Nưa. Mất một hồi kê kích, kiểm tra gầm vẫn không tìm được nguyên nhân, lãnh đạo đoàn quyết định để xe lại, tìm cách khắc phục rồi quay về thị trấn nằm chờ. Cũng là xe gầm cao, 2 cầu, nhưng xem ra Ford Escape không thích hợp với đường sá kiểu này, mà phải là loại “đặc chủng” Land Cruiser hay Mitsubishi Pajero (loại xe các huyện miền núi phía Bắc rất chuộng, giống chiếc xe của Huyện ủy Mường Tè chạy trước dẫn đường cùng chiếc xe bán tải của báo An ninh Thủ đô), hay chí ít cũng là U-oát mới “tác chiến” được. May còn có sóng điện thoại báo cho xe tải của Trường nghiệp vụ 24 (Bộ tư lệnh Biên phòng) đang chạy phía trước biết mà dừng lại chờ, để Phó Tổng biên tập Kiều Ngọc Kim lên cabin ngồi cùng lái xe và đồng chí Chủ nhiệm chính trị Trường nghiệp vụ, còn tôi cùng đồng nghiệp báo điện tử và anh Trợ lý chính trị (của Trường 24) “bổ sung”… vào đống hàng cứu trợ.
Ngồi thùng xe tải lắc lư cứ một quãng lại phải nhảy xuống chèn lốp lúc xe vượt dốc, hoặc chờ máy xúc, máy ủi san gạt đất đá cho thông đường. Nhưng rồi xe tải cũng bị “pan” nốt sau nhiều lần cố vượt vẫn không qua nổi một con dốc cao, chỉ cách đích đến của chuyến công tác khoảng 6, 7 km. Loay hoay độ một tiếng rưỡi sau thì Đồn biên phòng 305 cử một tổ ra hỗ trợ, điều cả máy ủi đến kéo nhưng chỉ đến lưng chừng dốc xe lại ì ra. Nhìn bóng tối bắt đầu buông phủ núi rừng lại nhớ trong bữa trưa, một cán bộ huyện đã nói: “Xã Hua Bum cách thị trấn 20 cây số, các anh đi nhanh cũng 5h chiều mới tới nơi”, mới thấy lời cảnh báo ấy quả không sai. Xuất phát ở thị trấn lúc 2h chiều, giờ đã tối sập rồi.
Dù đã dùng mọi cách để đưa xe tải trở hàng vào xã Hua Bum nhưng cuối cùng chiếc xe tải vẫn phải nằm lại giữa rừng. |
Cuối cùng thì xe tải cũng phải nằm lại giữa rừng, còn chúng tôi được chiếc xe gầm cao của Huyện ủy Mường Tè ra “giải cứu”. Ngồi ấm chỗ thì lái xe bắt chuyện: “Em cũng ở dưới xuôi mới lên. Cũng đã mấy năm chạy taxi ở Hà Nội, nhưng so với trên này thì lái xe dưới kia sướng chán”. Thì mấy tiếng làm phụ xe bất đắc dĩ, trèo lên trèo xuống “xi nhan”, đẩy xe, vác đá… cũng giúp tôi hiểu được việc lái xe ở Mường Tè nặng nhọc đến mức nào. Tay đánh vô lăng quần quật, mắt căng ra dõi đường nhưng miệng chú tài vẫn tỉnh rụi: “Mùa mưa lũ trên này chẳng phương tiện nào đi được, ai có công có việc phải thuê xe ôm mất tiền triệu”, rồi lại hỏi: “Anh biết đường từ Lai Châu vào Mường Tè 200 cây số có bao nhiêu cái miếu thờ không?”. Dù tai ù đặc do đường đèo dốc nhưng tôi cũng lõm bõm nghe được chuyện vài tuần trước một xe tải chở xi măng rơi xuống vực, còn cách đây hai tháng chiếc cầu treo, đâu như trên mạn Ka Lăng, Thu Lũm cách trung tâm huyện cả trăm cây số thì phải, bị đứt, lôi tuột cả một xe tải chở hàng xuống thượng nguồn sông Đà… Câu chuyện rỉ rả của người lái xe trẻ làm quãng đường như ngắn lại, dù vậy cũng phải hơn 7h tối chúng tôi mới vào đến sân Đồn biên phòng.
2. Bữa cơm tối ở Đồn biên phòng dù muộn nhưng thật đầm ấm. Ngoài cán bộ, chiến sỹ của Đồn có lãnh đạo xã, giáo viên trường PTCS, trường Tiểu học và trường Mầm non Hua Bum, đặc biệt là Phó bí thư thường trực Huyện ủy Phạm Văn Thiện cũng dẫn một nhóm cán bộ Văn phòng Huyện ủy, MTTQ, Phòng Giáo dục, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện… vượt hàng chục cây số đường núi để vào Hua Bum vui đón báo Hànộimới, báo An ninh Thủ đô và Trường nghiệp vụ 24. Bởi thế, không thể thiếu đặc sản rượu ngô “kê mông” nồng nàn men say của người Lai Châu.
Phó TBT Báo Hànộimới Kiều Ngọc Kim tặng quà cho học sinh nghèo ở xã Hua Bum. |
Câu chuyện với lãnh đạo xã và Đồn biên phòng giúp chúng tôi hình dung phần nào tình hình kinh tế- xã hội ở cái xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè này. Hua Bum có 1.434 nhân khẩu, 286 hộ thì dân tộc Hà Nhì chiếm 55%, còn lại là người Mảng, Mông…, sinh sống tập trung ở 4 thôn bản là Trang Chảo Pá (bản trung tâm), Pa Mu, Pa Cheo, Nậm Nghẹ (xa nhất, cách trung tâm xã 15-16 cây số, đi bộ cả buổi mới đến nơi). Diện tích tự nhiên rộng 25.968 ha phần lớn là rừng, chỉ có 80ha ruộng chủ yếu trồng ngô với lúa, địa hình dốc, khí hậu khắc nghiệt nên năng suất không cao. Thống kê năm 2010, Hua Bum còn 59,2% hộ nghèo, ấy là đã giảm mạnh so với 5 năm trước (85%) nhờ rất nhiều nỗ lực của cán bộ, người dân trong xã. Đặc biệt là đến nay, bản Nậm Nghẹ và Pa Cheo vẫn chưa được hưởng ánh sáng của điện lưới quốc gia, thậm chí còn chưa có đường xe máy...
Cứ ngỡ Phó Chủ tịch xã là dân địa phương, nhưng hóa ra Nguyễn Văn Cao người gốc Hưng Yên, nguyên là một thầy giáo có thâm niên 13 năm cắm bản ở “cuối trời Tây Bắc” này. Trước khi sang làm công tác chính quyền, anh Cao là Hiệu trưởng trường PTCS Hua Bum. Có lẽ do nhiều năm gắn bó nên từ ngoại hình đến tác phong giống người trên này. Các cô giáo trường Mầm Non Hua Bum như cô Lan (Hiệu trưởng), cô Mai, cô Đào… cũng là người dưới xuôi tình nguyện lên đây gắn bó với giáo dục vùng cao. Cô Mai mắt đen láy, người Nam Định lên Hua Bum đã mấy năm, làm đến chức Hiệu phó nhưng chuyện riêng tư vẫn “chưa có gì”. Cô Đào trắng trẻo, còn trẻ nhưng có chồng là anh cán bộ cơ yếu của Đồn. Thượng tá Bùi Mạnh Hoài, Đồn trưởng Đồn biên phòng 305, có tới 34 năm quân ngũ nhưng vợ con vẫn ở dưới quê Vũ Thư (Thái Bình). Trung tá Nguyễn Mạnh Trường, Phó trưởng đồn (phụ trách Quân sự) quê Sơn Tây, gia đình vẫn ở dưới xứ Đoài, “6 tháng một lần tranh thủ về thăm vợ con được vài ngày anh ạ”. Đại úy Dương Văn Út, Phó đồn Trinh sát, người Hưng Yên, vẫn là “lính phòng không”. Anh Út cho biết: Đồn biên phòng 305 quản lý 15km đường biên giới. Mỗi chuyến tuần tra đi hết 5 mốc trên địa bàn, có khẩn trương cũng mất 3 ngày… Nghe các anh kể lại nhớ chuyện lúc mới đến thị trấn Mường Tè, ăn trưa xong chúng tôi đi tìm nhà khách Huyện ủy để nghỉ, chờ xe của Trường nghiệp vụ 24 đến thì cùng vào Hua Bum. Nhằm Chủ nhật nên khu cơ quan huyện vắng teo. Đoàn đứng vẩn vơ ngoài sân một lúc thì có người chạy xe máy tới mở khóa phòng nghỉ. Ai cũng nghĩ chắc ông này là Phó văn phòng (thậm chí khi đề cập chuyện phương tiện vào Hua Bum thì lái xe báo Hànộimới còn tưởng đó là bác tài của Huyện ủy), sau mới té ra đây chính là Phó bí thư thường trực Huyện ủy Mường Tè. Thì cứ nom cách ăn bận giản dị, tác phong nhanh nhẹn, cắt đặt công việc đâu ra đấy làm gì mà chả nhầm. Anh Phạm Văn Thiện nguyên là Trưởng phòng An ninh văn hóa của Công an tỉnh Lai Châu, người gốc Thái Bình, công tác, gắn bó với trên này đã mấy chục năm rồi. Lúc khởi hành đi Hua Bum, anh kể mai là ngày “sang cát” bố ở quê, nhưng công việc lu bù (trong đó có chương trình công tác của báo Hànộimới) đã níu chân anh lại… Câu chuyện của những cán bộ địa phương, anh em biên phòng và các thầy cô giáo làm tôi cứ miên man nghĩ tới những lần về quê của họ hẳn là gian truân hơn nhiều so với hành trình chúng tôi đi từ Thủ đô vào đây. Đặc biệt là niềm vui đoàn tụ quá ít ỏi so với những gì họ đã cống hiến cho biên cương Tây Bắc.
Báo Hànộimới, báo ANTĐ tặng quà cho Trường Mầm Non Hua Bum (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). |
3. Không thể nói hết sự cảm động của cán bộ, giáo viên và người dân Hua Bum khi nhận những bao gạo, can dầu ăn, quần áo, sách vở, bánh kẹo… do báo Hànộimới và báo An ninh Thủ đô trao tặng, đặc biệt là công trình Nhà ăn tập thể cho học sinh “bán trú dân nuôi” (trị giá 30 triệu đồng) do báo Hànộimới tặng thầy trò trường PTCS Hua Bum. Niềm vui dường như càng nhân lên khi tại lễ bàn giao công trình, Phó Tổng biên tập báo Hànộimới Kiều Ngọc Kim tiếp tục trao cho lãnh đạo xã và trường PTCS Hua Bum 10 triệu đồng để mua sắm bán ghế cho nhà ăn. Bí thư Đảng ủy xã Phùng Má Chè xúc động thốt lên: “Thay mặt bà con Hua Bum, xin cảm ơn tấm lòng của những người làm báo Thủ đô”.
Đại diện Báo Hànộimới, Trường nghiệp vụ 24 bàn giao nhà ăn cho Trường PTCS Hua Bum (Mường Tè, Lai Châu). |
Có một nhà thơ đã viết: “Cuối trời Tây Bắc có Lai Châu”, còn người Lai Châu thường nói: “Chưa đến Lai Châu thì coi như chưa đến Tây Bắc, mà chưa đến Mường Tè coi như chưa đến Lai Châu”. Vào những ngày cuối cùng của năm 2010, báo Hànộimới đã đặt dấu ấn nghĩa tình ở đất Mường Tè, chia sẻ với đồng bào khó khăn ở nơi “cuối trời Tây Bắc”. Chuyến đi đã khép lại một năm công tác xã hội đầy bận rộn của những người làm báo Hànộimới. Trong năm qua, hơn 3 tỷ đồng từ Quỹ Trái tim nhân ái của báo đã được chuyển đến cho bà con vùng lũ, đồng bào vùng sâu vùng xa ở Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum…
Trong lúc những người làm báo Thủ đô mang hàng cứu trợ và bàn giao công trình ở xã Hua Bum và xã Pa Vầy Sủ (báo An ninh Thủ đô) thì tại xã Pa Ủ, các đồng nghiệp Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Đại đoàn kết, Đài PTTH Hà Nội, báo Biên phòng… cũng chứng kiến lễ bàn giao 31 nhà Đại đoàn kết và 15 công trình dân sinh do Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu xây dựng (có sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong cả nước) giúp bà con các xã biên giới của huyện Mường Tè, đồng thời dự lễ đón năm mới do BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức cho bà con dân tộc La Hủ ở xã này.
Giữa những ngày giá rét, tình cảm và sự sẻ chia của người dân cả nước nói chung và những người làm báo nói riêng hẳn đã làm đồng bào và chiến sỹ ở biên cương cảm thấy ấm lòng!