Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 07:54, 05/01/2011
Làng nghề dồn sức vào vụ
Đóng gói mứt Tết tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm. Ảnh: Thu Giang
"Đến hẹn lại lên", cứ khoảng 40 đến 45 ngày trước Tết Nguyên đán là thời điểm làng nghề chế biến bánh, mứt kẹo thôn Đông, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm) vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất. Thời điểm này, ngày nào cũng vậy, người và xe tấp nập chở nguyên liệu về làng và xuất sản phẩm đi các nơi tiêu thụ. Hình ảnh đập vào mắt người đi đường là mứt bí phơi lộ thiên, ngay trên vỉa hè, trên những tấm vải bạt nham nhở đã ngả màu. Có những khu vực người dân phơi gần những túi rác vứt chỏng chơ. Đi sâu vào thôn Đông là không khí sản xuất khẩn trương cùng với mùi thơm quyến rũ của mứt tỏa ra từ các cơ sở sản xuất. Tại đây, bí xanh được xếp thành đống lớn dưới nền sân; bí gọt xong vỏ vứt lăn lóc trên lối đi, còn người làm thản nhiên cắt, gọt, thái bí bằng tay không trên nền đất. Bí sau khi gọt vỏ, thái miếng được ngâm trong những bể nước vôi lớn. Trên nền đất ẩm ướt, những người thợ dùng những chiếc muôi lớn vớt, đảo mứt liên tục. Gọi là thợ nhưng họ không đeo khẩu trang, không dùng găng tay sản xuất cũng như mặc quần áo bảo hộ. Hiện, toàn xã có 39 hộ sản xuất bánh, mứt, trong đó có 3 cơ sở lớn công suất 100 tấn bánh mứt/vụ. Nhiều hộ còn nhận gia công cho một số công ty kinh doanh bánh mứt kẹo có tiếng như Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu Nghị...
Trong khi đó, tại các làng nghề La Phù, Dương Liễu (Hoài Đức), hơn một tháng nay, nhiều chuyến xe ô tô từ các tỉnh đã đổ về đây lấy bánh, kẹo xuất đi các tỉnh, chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Tân Mão. Chiều 30-12-2010, PV Hànộimới có mặt tại La Phù, tuyến đường chính đi vào xã liên tục trong tình trạng tắc nghẽn bởi dòng người, ô tô vào, ra tấp nập. Tại các xóm Minh Khai, Hoa Thám, nơi tập trung nhiều công ty như bánh kẹo Đức Trường Thịnh, Đông Nam Á, Hoàng Gia... đã 4 giờ chiều nhưng ô tô vẫn xếp hàng dài chờ lấy hàng. Trong vai một đại lý bánh, kẹo, chúng tôi đã tiếp cận được một số người dân ở La Phù, nhưng nhiều người ở đây vẫn tỏ ra đề phòng với những câu hỏi có ý điều tra. Một chị bán nước ở đầu con đường chính vào xã La Phù cho biết, ở đây bánh, kẹo gì cũng có, từ hàng chất lượng cao đến rẻ tiền, nhiều loại bánh kẹo không tên, không nhãn mác có giá bán rẻ bằng 1/3 hàng thật, nếu ăn vào bị làm sao thì người tiêu dùng cũng chẳng biết tìm ai để kiện.
Ai quản, ai chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm?
Ngày 29-12-2010, thời điểm đã vào vụ sản xuất mứt hơn một tháng, nhưng khi đề cập đến kế hoạch kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì UBND xã Xuân Đỉnh vẫn chưa xây dựng vì lý do các cơ sở mới đang sơ chế nguyên liệu. Trong khi đó, kế hoạch tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cuối tháng 12-2010, đầu tháng 1-2011 đã bị hoãn lại vì xã bận nhiều việc khác quan trọng hơn. Để tìm hiểu được những thông tin trên, nhóm PV Hànộimới đã phải đợi từ sáng đến cuối giờ chiều mới gặp được ông Phạm Quang Ngọc, cán bộ xã phụ trách lĩnh vực thuế - thương nghiệp. Tuy nhiên, khi được hỏi về an toàn thực phẩm, ông Ngọc giải thích cặn kẽ, nếu như trước đây, làng nghề thường nấu mứt bằng than, lao động vừa vất vả, vừa độc hại do khói bụi, thì nay 100% các hộ chuyển sang nấu bằng lò hơi và lò ga, chất lượng hàng cũng tốt hơn. Các khâu chế biến, phơi bí tưởng chừng như rất mất vệ sinh nhưng thực ra chỉ để cho bí trắng hơn. Phơi xong, thanh bí còn phải đưa vào ngâm, rửa nước 7 lần, sau đó luộc rồi mới tẩm đường... "Ở công đoạn cuối, bí được nấu ở nhiệt độ 340 độ nên sẽ chẳng còn vi khuẩn nào sống sót!?". Tuy nhiên, đó chỉ là lời giải thích của cán bộ xã, còn sản phẩm đó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến đâu thì chưa có cơ sở nào khẳng định. Còn tại La Phù, ngỏ ý muốn tìm hiểu thực tế ở một số cơ sở sản xuất, Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Văn Mạnh khẳng định với PV, trong khu dân cư không còn cơ sở sản xuất bánh, kẹo. Hầu hết các hộ đã tỏa đi thuê đất ở các xã lân cận như An Khánh để sản xuất nên chính quyền địa phương không quản lý và không có gì để cung cấp.
Mặc dù làng nghề phát triển đã góp phần nâng cao đời sống người dân nhưng do sản xuất tự phát, thiếu vốn, thiếu mặt bằng nên quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi công tác quản lý sản xuất, kinh doanh biểu hiện rõ sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để, vì vậy, cần phải có chế tài mạnh hơn, quyết liệt hơn để xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất và kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhưng trước hết, vẫn rất cần sự chung tay của các ngành chức năng, các doanh nghiệp và của cả chính người tiêu dùng.