Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 27 tháng
Kinh tế - Ngày đăng : 20:02, 04/01/2011
Tại New York kết thúc phiên 3/1, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2011 đã ghi mức đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 10/2008 khi tăng 17 xu lên 91,55 USD/thùng, sau khi có lúc giao dịch ở mức cao 92,10 USD/thùng.
Trong khi đó, thị trường London phiên này vẫn đóng cửa nghỉ lễ, nhưng trên sàn giao dịch điện tử InterContinental Exchange (ICE), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2011 tăng 9 xu lên 94,84 USD/thùng, cũng là mức đóng cửa cao nhất trong hơn 2 năm.
Đến chiều 4/1 tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2011 giảm nhẹ 8 xu xuống 91,47 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn nhích 3 xu lên 94,87 USD/thùng.
Các nhà phân tích thuộc tập đoàn JPMorgan Chase cho biết tâm lý trên thị trường dầu mỏ đã trở nên tích cực, một phần nhờ được hỗ trợ bởi thời tiết rét bất thường, nhưng hơn hết là nhờ sự lạc quan ngày càng tăng về triển vọng kinh tế năm 2011, nhất là kinh tế Mỹ.
Viện Quản lý Cung ngày 3/1 cho biết các hoạt động sản xuất chế tạo trong tháng 12/2010 của Mỹ đã tăng trong tháng 17 liên tiếp, thúc đẩy sự tin tưởng rằng đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng tốc.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết chi tiêu cho xây dựng của nước này trong tháng 11/2010 đã tăng 0,4% lên mức cao nhất trong 5 tháng.
Bên cạnh đó, giới giao dịch cũng phấn chấn trước các số liệu công bố ngày 1/1 của Trung Quốc cho biết tăng trưởng khu vực chế tạo của nước này đã giảm tốc trong tháng 12/2010, điều cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt nền kinh tế đang phát huy hiệu quả.
Ba năm sau khi phá ngưỡng 3 con số, hiện nay giá dầu đang hướng trở lại mức 100 USD/thùng, nhưng các nhà phân tích cho rằng việc dư thừa công suất khai thác và chiết xuất sẽ ngăn cản sự tái diễn cơn lốc tăng giá năm 2008, vốn đẩy giá nhiên liệu này lên 147 USD/thùng.
Giới phân tích tin rằng các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhất là Arập Xêút, có thể sẽ tăng sản lượng để đảm bảo duy trì đà phục hồi kinh tế.