Đã thông nguồn vốn

Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 04/01/2011

(HNM) - Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị (KĐT) Sài Đồng - Gia Lâm - do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư là dự án đầu tiên trong số 6 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội được vay vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.


Theo đại diện ngân hàng, nguồn vốn cho các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã sẵn sàng, tiến độ còn lại phụ thuộc vào việc doanh nghiệp (DN) hoàn tất hồ sơ, thủ tục nhanh hay chậm.

Đầu vào tăng, giá bán nhà vẫn không đổi


Mô hình khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Sài Đồng.


Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cũng chịu tác động của việc tăng giá sắt, thép, xi măng. Đặc biệt, do các dự án xây dựng nhà ở luôn cần nguồn vốn lớn, nên lãi suất cho vay thương mại tăng cao trong thời gian qua đã làm tăng đáng kể các chi phí đầu vào của dự án. Tuy nhiên, khác với các dự án nhà ở thương mại, DN có thể điều chỉnh giá bán khi chi phí đầu vào biến động mạnh, với dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, DN phải giữ cam kết giá bán dưới 10 triệu đồng/m2. Vì vậy, nếu không "khơi thông" được nguồn vốn ưu đãi cho các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, DN sẽ rất khó khăn.

Thừa nhận việc DN triển khai dự án nhà ở cho người thu nhập thấp mang tính chất "thực hiện nghĩa vụ với xã hội" hơn là kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, giai đoạn hiện nay, bên cạnh nhà ở thương mại, Nhà nước quan tâm đến bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội khó tiếp cận với nhà ở thương mại. Việc giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp là sự pha trộn giữa cơ chế thị trường với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và chủ yếu là dựa vào vai trò của DN nhà nước. Điều đáng mừng là các DN lớn đã vào cuộc. Nhiều địa phương như Hà Nội đã làm rất tốt chính sách hỗ trợ DN về hạ tầng, quỹ đất... để triển khai dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, yếu tố khó khăn nhất vẫn là vốn. Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp ban đầu có trục trặc, có thể do một số chính sách chưa rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà. Đặc biệt, chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp là chính sách mới nên chủ đầu tư còn lúng túng, chưa làm đủ thủ tục theo yêu cầu của ngân hàng, việc thẩm định giá, danh sách bán chưa thống nhất được, nhất là lại rơi vào thời điểm hết sức khó khăn trong việc huy động vốn như hiện nay.

Ngân hàng khẳng định: Nhanh hay chậm ở doanh nghiệp

Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, sở dĩ việc cho DN vay vốn đầu tư dự án nhà ở cho người thu nhập thấp có trục trặc là do bất cập trong quy định. Chẳng hạn, về mức vốn cho vay có quy định tối đa 50% với dự án nhóm C và 40% với dự án nhóm B tính trên tổng mức đầu tư, nhưng có quy định khác tối đa lên tới 70% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, cơ bản những bất cập này đã được giải quyết. "Nguồn vốn vay cho các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã được khơi thông. Tiến độ giải ngân phụ thuộc DN hoàn tất hồ sơ nhanh hay chậm mà thôi" - bà Đào Dung Anh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam khẳng định.

Đại diện Sở Giao dịch 1 Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho hay, sau khi tiếp nhận danh sách 7 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp (6 dự án ở Hà Nội, 1 dự án ở Vĩnh Phúc), sở đã hướng dẫn chủ đầu tư các dự án thủ tục, trình tự vay vốn theo quy định. Đến nay, dự án 1.000 căn hộ tại KĐT mới Đặng Xá (Gia Lâm) của Tổng Công ty Viglacera đã được vay 391 tỷ đồng, bằng 63% tổng mức đầu tư. Hai dự án khác tại KĐT mới Sài Đồng (Long Biên) và Khu nhà ở phường Liên Bão (Vĩnh Phúc), chủ đầu tư đã hoàn chỉnh hồ sơ vay, với mức vay 180 tỷ đồng, bằng 53% tổng mức đầu tư.

Chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ phải kéo dài nên các thủ tục sẽ phải được hoàn thiện. Có ý kiến đề nghị nâng mức vốn cho vay lên 70% tổng mức đầu tư, giảm lãi suất xuống 5-6%/năm và kéo dài thời gian cho vay 15-20 năm để giảm giá thành sản phẩm để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực ít hiệu quả kinh tế này. Được biết, Ngân hàng Phát triển đã thông báo cho các chi nhánh tiếp nhận các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn mà không cần chờ danh sách từ hội sở. Dự kiến, những năm tới, ngân hàng dành 7.000 tỷ đồng cho chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp.

Y Linh