Cảnh báo từ Địa Trung Hải
Thế giới - Ngày đăng : 06:55, 04/01/2011
Địa Trung Hải có nguy cơ trở thành “bồn chứa” ô nhiễm toàn cầu. |
Ô nhiễm nhất là các vùng lãnh hải thuộc Tây Ban Nha, Italia và Pháp, khu vực thu hút số lượng lớn khách du lịch hằng năm. Theo kết quả nghiên cứu của Oceana, tổ chức bảo vệ môi trường biển quốc tế lớn nhất thế giới, trong 1m³ nước biển ở đây có tới 33 đơn vị chất thải và trong 1 lít nước biển có tới 10gr dầu mỏ. Nếu tình trạng này tiếp diễn, số phận mọi sinh vật sống ở Địa Trung Hải đều có nguy cơ bị đe dọa, thậm chí diệt vong, do nhiều nguyên nhân như: đổ chất thải bừa bãi xuống biển, thiên tai, bất cẩn khi vận chuyển hàng hóa, con người không có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường... Một nguyên nhân chủ yếu nữa là, hằng năm, có 20% số tàu chở dầu trên thế giới qua lại Địa Trung Hải, đây chính là nguồn gây ô nhiễm lớn. Ngoài ra, hệ thống nước thải của các khu đô thị cũng như các dòng sông đổ ra Địa Trung Hải cũng là nguồn gây ô nhiễm trực tiếp.
Vài năm trở lại đây, các mẫu phân tích thu thập được ở Địa Trung Hải cho thấy đây là nơi hội tụ của các dòng khí toàn thế giới và vì thế, nó đang phải nhận một lượng rất lớn các khí ô nhiễm từ nhiều nơi thổi tới. Cụ thể, hàm lượng các chất ô nhiễm chủ yếu cao gấp từ 2 đến 10 lần so với những vùng khác nằm xa trung tâm đô thị. Ở tầng khí quyển thấp nhất, các luồng gió từ Đông và Tây Âu tới đã có nồng độ ô nhiễm cao hơn tiêu chuẩn cho phép của Liên minh châu Âu (EU). Trong tầng khí quyển ở độ cao từ 4 đến 6km, hầu hết các chất ô nhiễm được thổi tới từ châu Á và Bắc Mỹ. Còn tại tầng khí quyển trên cùng, các luồng gió mùa châu Á đang mang đến vùng biển này rất nhiều khí độc hại.
Ô nhiễm ở Địa Trung Hải cũng là cảnh báo đối với tình trạng ô nhiễm biển toàn cầu. Dù những năm gần đây, thế giới đã nhận thức về nguy cơ ngày một gia tăng này và đã đưa ra nhiều chương trình hành động để ngăn chặn các nguồn ô nhiễm biển, song kết quả đạt được vẫn không bù đắp nổi những thiệt hại về môi trường do tình trạng bùng nổ dân số, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa quá nhanh tại các vùng duyên hải. Tình trạng xấu đi của môi trường biển không những gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn phá hủy các hệ sinh thái ven biển có giá trị lớn về kinh tế như các vùng rừng ngập mặn, các vỉa san hô và những thảm rong biển.
Năm 2010 vừa qua đi với những sự kiện tích cực với môi trường toàn cầu: Năm quốc tế về Đa dạng sinh học, Năm Bảo tồn hổ, năm của một World Cup xanh… Tuy nhiên, những nỗ lực xem ra là chưa đủ so với độ ô nhiễm đang tăng chóng mặt ở nhiều khu vực trên thế giới; nhất là tại các quốc gia có đường biên giới biển. Nếu tình hình này không sớm thay đổi, hơn một tỷ người trên thế giới có nguy cơ không được hưởng lợi ích của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc sẽ cán đích vào năm 2015.