Siết chặt kiểm tra, kiểm soát giá cả
Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 03/01/2011
Biến động... tăng
Theo Cục Quản lý giá, mặc dù sản xuất đã đạt mức tăng trưởng vượt dự báo, nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn, cung ứng điện, lãi suất tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, làm tăng chi phí vốn vay của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, do tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, từ nay đến Tết Nguyên đán, với tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch gia súc qua biên giới Trung Quốc, nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng, sẽ gây áp lực tăng giá. Diễn biến về giá vàng và tỷ giá tăng trong thời gian qua cũng tác động đến tâm lý tăng giá. Mặt khác, theo quy luật tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ phục vụ lễ hội, tết tăng cao, lượng tiền lưu thông tăng hơn gây sức ép tăng giá. Với những yếu tố trên, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống tiếp tục ở mức cao, trong đó tăng mạnh nhất sẽ là rau củ quả.
Nhằm giữ bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, các ngành và địa phương đang áp dụng các biện pháp tích cực kiểm soát giá cả. Ảnh: Linh Tâm |
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố tác động làm giảm áp lực tăng giá như cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ về cơ bản tiếp tục được giữ vững; giá than bán cho điện và cho sản xuất phân bón, xi măng, giấy tiếp tục ổn định; giá xăng dầu bình ổn thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngoài ra, các biện pháp kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất... mà Chính phủ triển khai sẽ góp phần làm bình ổn giá thị trường. Về phía các DN đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng. Còn cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra quyết liệt nhằm loại bỏ hiện tượng đầu cơ, tích trữ, găm hàng làm lũng đoạn thị trường. Bên cạnh đó, vai trò của địa phương cũng rất quan trọng, nhất là việc chỉ đạo DN tăng cường sản xuất để tăng nguồn hàng cũng như chuẩn bị tốt mặt bằng cho kinh doanh và khơi thông các kênh phân phối để cung cấp đủ, kịp thời hàng hóa. Thực tế cho thấy, dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn thị trường nhưng giá hàng hóa vẫn tăng...
Quyết liệt kiểm soát giá cả
Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán và quý I-2011, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức một số đoàn công tác tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) để kiểm tra và nắm tình hình thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá. Bộ đã có công văn đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp để kiểm soát giá cả. Theo đó, cơ quan chức năng phải chủ động cân đối cung cầu hàng hóa, chú trọng các mặt hàng thực phẩm, lương thực; xây dựng phương án sử dụng nguồn tài chính của địa phương, thực hiện giải pháp bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; kiên quyết xử lý những trường hợp đăng ký giá, kê khai giá bất hợp lý, tăng giá quá cao so với biến động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá chung, gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và công khai việc xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay, nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Quảng Ninh, Hậu Giang, Thanh Hóa, Lạng Sơn... đã thành lập các đoàn kiểm tra quản lý thị trường, hỗ trợ DN dự trữ một số mặt hàng thiết yếu để tham gia bình ổn giá.
Một trong những giải pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Bộ Tài chính là ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 2710 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 2710. Việc giảm thuế mặt hàng chiến lược này sẽ có tác động ổn định thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như thời gian tiếp theo.