Buông lỏng quản lý, vi phạm tràn lan
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 03/01/2011
Vi phạm tràn lan, chưa được kiểm soát
Vùng chè nguyên liệu ở Ba Vì hiện tập trung ở 7 xã miền núi, chủ yếu là xã Yên Bài, xã Vân Hòa và một phần diện tích của xã Kim Sơn. Trước đây, khu vực này thuộc Nông trường Hữu nghị Việt - Mông quản lý, tuy nhiên việc quản lý đất đai và trồng chè không hiệu quả. Tháng 11 năm 2006, Công ty cổ phần Việt Mông thành lập (theo quyết định của Bộ NN&PTNT) và được bàn giao, quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản, nhà xưởng, máy móc và gần 30ha đất chuyên dùng để sản xuất, kinh doanh. Phần diện tích còn lại (891ha) theo kết quả đo đạc của Công ty Việt Mông được thực hiện theo Nghị định 01 của Chính phủ, giao khoán cho cán bộ, công nhân viên nông trường (cũ) để trồng chè và chăn nuôi bò. Tuy nhiên, do chưa nhất quán về chủ thể quản lý, sử dụng đất mà tình trạng vi phạm đã, đang xảy ra tràn lan, khó kiểm soát như xây dựng nhà ở vi phạm Nghị định 01 của Chính phủ (phổ biến); chuyển đổi, chuyển nhượng đất trái phép; thay đổi hiện trạng sử dụng đất... Theo kết quả đo đạc, điều tra của Công ty Việt Mông có đến 30% số hộ nhận khoán có đất trên bản đồ nhưng không rõ chủ sử dụng là ai, ở đâu. Đáng nói là số diện tích này phần lớn bỏ hoang hoặc người dân phá cây chè, xây tường bao quanh. Vì vậy, diện tích chè đã bị mai một, hiện chỉ còn 200ha, không đủ nguyên liệu cung cấp cho các đối tác nhập khẩu chè của công ty. Những sai phạm trên đã có tác động xấu đến an ninh trật tự tại địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, bức xúc trong dư luận xã hội. Theo quan sát của PV Hànộimới, ở khu vực này người dân đã tập kết vật liệu xây dựng, chuẩn bị xây dựng nhà ở kiên cố, mở đường nhánh để xây dựng, chuyển nhượng đất trái phép. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã giải quyết một số vụ việc nổi cộm như bắt giữ ô tô vận chuyển đất trái phép tại khu vực đội I; đình chỉ xây dựng nhà ở của một hộ gia đình ở thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (TX Sơn Tây); ngăn chặn việc đào đất, thay đổi hiện trạng đất; cưỡng chế việc đào ao trái phép của 2 hộ gia đình khu trại bò số 6...
Theo ông Dương Quang Huy, Giám đốc Công ty Việt Mông, khu vực này có diện tích lớn nhưng hệ thống hồ sơ pháp lý quản lý hầu như không có, nếu có thì bị thất lạc; tình trạng xâm canh xâm cư phức tạp; các sai phạm chưa được giải quyết triệt để, chỉ dừng lại ở yêu cầu đình chỉ vụ việc... Mặt khác, đây cũng là vùng đất tiềm năng và "nóng" trong chuyển nhượng, vì từ khi xây dựng Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đại lộ Thăng Long kéo dài... đất đã tăng giá trị chóng mặt.
Giải cứu vùng nguyên liệu chè
Trước tình trạng nóng bỏng về quản lý, sử dụng đất ở khu vực Nông trường Việt Mông, dự án Làng chè sinh thái Việt Mông (đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt năm 2008) được coi là cứu tinh cho cây chè Ba Vì cũng như ổn định đời sống người dân khu vực miền núi. Với diện tích đất được giao quản lý, Công ty Việt Mông đã bỏ ra 80 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 dây chuyền sản xuất chè công suất 60 tấn/ngày, kéo dài thời vụ lên hơn 9 tháng, bảo đảm việc làm ổn định cho hàng nghìn hộ dân 7 xã miền núi huyện Ba Vì. Ngoài ra, việc đầu tư hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, tổ chức thu mua nguyên liệu chè của các hộ sản xuất cũng được công ty coi trọng. Bà Nguyễn Thị Tuyến, cán bộ Công ty Việt Mông cho hay, kể từ khi dây chuyền chế biến đi vào hoạt động, giá thu mua chè của nông dân 7 xã miền núi được nâng lên 4.000-4.500 đồng/kg, cao gấp 2 đến 3 lần những năm trước. Bên cạnh đó, để vực dậy vùng chè nguyên liệu và tạo điều kiện người dân yên tâm sản xuất, công ty đã đầu tư kinh phí làm 6,2km đường giao thông, nhận bàn giao và cải tạo toàn bộ lưới điện. Với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, công ty hỗ trợ vốn sản xuất, xây dựng nhà cửa, giúp họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nghề trồng chè…
Theo quy hoạch, diện tích làng chè sinh thái được xác định còn 941,3ha (trước đó theo báo cáo là 1.117ha), trong đó, 560ha là đất trồng chè, 200ha chuyên trồng cỏ, diện tích còn lại là làng du lịch sinh thái. Tương lai đây là một làng chè sinh thái gắn với trồng chè bằng công nghệ sinh học, chế biến chè sạch, phục vụ xuất khẩu gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là sử dụng hiệu quả quỹ đất và hạ tầng hiện có; phát huy tính ưu việt của cây chè, lợi thế về khí hậu; giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động ở 7 xã miền núi Ba Vì và các địa phương lân cận. Mặc dù lợi ích đã rõ ràng nhưng quy hoạch chi tiết vẫn chưa được phê duyệt là nguy cơ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu "Chè Ba Vì". "Thành phố nên có cơ chế, chính sách quan tâm để làng chè không bị mai một và lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất tại nông trường" - bà Đặng Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Mông kiến nghị.
Trước tình trạng này, trong văn bản ban hành ngày 9-12-2010, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Hà Xuân Hưng khẳng định, quy hoạch Làng chè sinh thái Việt Mông đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai, là văn bản pháp lý đang có hiệu lực pháp luật. Ông Hưng chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã và công dân nghiêm túc thực hiện theo đúng nội dung quy hoạch, quản lý chặt chẽ đất đai, nhất là diện tích đất sản xuất nông nghiệp trồng chè để bảo đảm chương trình phát triển cây chè trong kế hoạch phát triển KT-XH của huyện Ba Vì.