Nghịch lý thiếu - thừa

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 03/01/2011

(HNM) - Càng cận kề Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, một lượng lớn thịt lợn theo đường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc, đẩy giá thịt lợn hơi trong nước tăng cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát xuất khẩu dường như bị "lờ đi", không có sự can thiệp của lực lượng chức năng. Đây lại là thời điểm khan hiếm lợn thịt, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Nguồn cung giảm

Hơn tuần nay, giá thịt lợn trên thị trường tiếp tục tăng, tại Hà Nội giá thịt móc hàm dao động từ 58.000-60.000 đồng/kg, giá bán lẻ ở mức 75.000- 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Sở Công thương Hà Nội nhận định, giá thịt lợn sẽ tăng 15-20% so với tết năm ngoái. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - Nguyễn Văn Ghi cho rằng, chưa bàn đến việc tư thương đưa thịt lợn ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc, giá thịt tăng trước hết do tâm lý ngại nguồn cung thiếu hụt và bị tác động nhiều hơn bởi trong năm xảy ra liên tiếp các đợt lũ lớn tại các tỉnh Trung bộ và Nam Trung bộ gây thiệt hại nặng đối với ngành chăn nuôi, việc tái đàn đã bị ảnh hưởng do nguồn con giống thiếu. Ngoài ra, nhân tố đẩy giá thịt lợn tăng là do dịch bệnh trên lợn đã liên tục bùng phát tại nhiều địa phương. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch lở mồm long móng tiếp tục phát sinh ở một số địa phương. Tại tỉnh Quảng Ninh mới phát hiện thêm 4 xã (Kim Sơn, Lục An, Hồng Thái Tây huyện Đông Triều và Lục Hồn huyện Bình Liêu) có gia súc mắc bệnh. Toàn tỉnh có 31 xã thuộc 7 huyện, thành phố có dịch lở mồm long móng với tổng số gia súc mắc bệnh lên đến hơn 1.500 con. Tương tự, tại tỉnh Lạng Sơn, từ ổ dịch đầu tiên (17-11-2010) đến nay, dịch lở mồm long móng trên gia súc xảy ra tại 30 xã thuộc 9 huyện của tỉnh, với tổng số gia súc mắc bệnh hơn 950 con, trong đó chết và tiêu hủy gần 140 con (chủ yếu là lợn). Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 14 tỉnh đang có dịch lở mồm long móng trên gia súc và 1 tỉnh có dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày.

Vissan, đơn vị chế biến và cung cấp lượng thịt gia súc, gia cầm lớn cho thị trường trong nước. Ảnh: Lê Quang Nhật

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, sản lượng thịt trâu, bò, lợn năm 2010 chỉ đạt 3,8 triệu tấn, thấp hơn so với năm trước 4 triệu tấn. Nguyên nhân là do dịch bệnh bùng phát mạnh trên địa bàn cả nước, nhất là dịch tai xanh xảy ra đã ảnh hưởng lớn tới khả năng cung ứng thịt. Tính đến cuối tháng 11-2010, Việt Nam đã phải nhập khẩu 60.000 tấn thịt lợn và để đáp ứng nhu cầu trong dịp tết cần nhập thêm khoảng 20.000 tấn nữa, thậm chí, có thể hơn vì lợn bị chết nhiều.

Khó kiểm soát

Theo dự báo, nhiều khả năng nguồn cung thịt sẽ thiếu và giá đẩy lên cao trong dịp tết, trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, vẫn xuất hiện tình trạng tư thương gom thịt lợn hơi tuồn qua đường tiểu ngạch, xuất sang Trung Quốc. Tại cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh, mỗi ngày có khoảng 40-50 xe tải chở lợn từ các nơi về tập kết đưa sang Trung Quốc. Mỗi xe ít nhất 10 tấn lợn, tổng cộng gần 500 tấn theo các đường tiểu ngạch vượt biên trước sự bất lực của cơ quan chức năng. Còn tại tỉnh Lạng Sơn, mỗi ngày có khoảng 20-50 tấn thịt từ các tỉnh đưa sang Trung Quốc qua đường mòn tại các khu vực Nà Nưa huyện Tràng Định, Ba Sơn huyện Cao Lộc, Chia Ma huyện Lộc Bình...

Trạm trưởng Kiểm dịch động vật Móng Cái - Nguyễn Minh Cường cho biết, cận kề Tết Nguyên đán, lợn xuất khẩu sang Trung Quốc càng nhiều và rất khó kiểm soát. Nếu trước đây lợn xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là lợn sữa thì năm nay phần lớn là lợn hơi, khoảng 70-90kg. Sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi ngày tăng gấp 3 lần những năm trước. Sở dĩ thời điểm này tư thương đưa lợn vượt biên nhiều là do giá lợn hơi ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, việc xuất khẩu này tuy không trái với các quy định của pháp luật về thương mại cũng như cam kết của chúng ta với cộng đồng quốc tế nhưng cũng là vấn đề cần lưu tâm bởi đây là nguy cơ gây dịch bệnh và đẩy giá thịt trong nước lên cao. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang theo dõi sát sao tình hình xuất khẩu thịt sang Trung Quốc để có biện pháp can thiệp, đồng thời thông tin cho các địa phương và các ngành chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, tăng nguồn cung thịt lợn trong dịp tết. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc, đặc biệt là khâu kiểm soát vận chuyển và kiểm dịch để dịch bệnh không xuất hiện và lây lan trong quá trình buôn bán qua biên giới. Việc tăng cường kiểm soát tình trạng xuất khẩu tràn lan lợn hơi sang Trung Quốc cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng thiếu thịt lợn và sốt giá trong dịp tết, gây khó khăn cho tiêu dùng.

Thúy Nga