“Đất sống” của thực phẩm không an toàn

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 03/01/2011

(HNM) - Quán ăn ven đường, gánh hàng ăn rong đã là một nét văn hóa quen thuộc ở các đô thị. Ở khía cạnh nào đó, thức ăn đường phố đã đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Mặc dù vậy, loại hình dịch vụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Mới đây nhất, "sự kiện" gia vị lẩu kém chất lượng, không nguồn gốc được sử dụng khiến nhiều người có thói quen "ăn đường" phải rùng mình. Nhưng khi nỗi sợ tạm quên đi, người ta lại vẫn "cơm đường, cháo chợ".

Khi người tiêu dùng chấp nhận

Có mặt tại "phố lẩu" (đường Phùng Hưng), nơi tuần qua, cả thanh tra của Bộ Y tế lẫn Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, vẫn thấy tấp nập khách vào ra. Hỏi một nhân viên bán hàng rằng sau khi có thông tin về gia vị lẩu có chất độc hại và ngành chức năng kiểm tra, lượng khách có giảm không thì được biết số lượng thực khách không giảm, thậm chí còn tăng hơn vì thời điểm cuối năm người ta thường rủ nhau đi ăn gặp mặt tất niên. Lẩu là món dễ dùng, lại rẻ tiền nên thường được lựa chọn dù theo kết quả kiểm nghiệm 48 mẫu gia vị lẩu không rõ nguồn gốc do thanh tra Cục ATVSTP phát hiện, lấy tại "phố lẩu" gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, 8 mẫu có hàm lượng chất bảo quản cao hơn mức cho phép.

Việc ăn uống ven đường, góc chợ còn nan giải về ATVSTP. Ảnh: Đức Nghiêm

Không chỉ có gia vị "3 không" (không nguồn gốc, nhãn mác, hạn sử dụng) mất an toàn cho sức khỏe người sử dụng được bán lúc công khai, lúc bí mật với số lượng lớn (giá từ 7-8.000 đồng/gói) tại hầu hết các chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, Long Biên… mà nhiều mặt hàng gia vị khác cũng vi phạm quy chế nhãn mác như nước mắm, nước tương, chai mayonaise maurel, bột chiên Lion, rau đóng gói sẵn của Trung Quốc. Đặc điểm chung của chúng là đều không có nhãn phụ, hạn sử dụng hoặc rách nhãn mác, rẻ tiền và không biết có an toàn hay không… Ở các chợ nhỏ quanh khu vực dân cư như Thành Công, Cầu Giấy, tình trạng cũng tương tự.

Thực tế là có cầu thì mới có cung. Khảo sát tại một số siêu thị, mặt hàng gia vị khá phong phú, rõ nguồn gốc, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hạn dùng nhưng người mua, người ăn vẫn chấp nhận mua rẻ để tiết kiệm, ăn hàng cho tiện mặc dù biết thực phẩm mình mua, mình ăn không bảo đảm các quy định về ATVSTP thì thực phẩm bẩn vẫn mãi tồn tại.

Quản chưa nghiêm, thanh tra "mùa, vụ"

Dù chưa điều tra tổng thể nhưng điều có thể khẳng định là thực phẩm bẩn, trong đó có gia vị "3 không", chủ yếu được dùng trong các quán ăn đường phố. Ngành y tế cũng thấy rằng, loại hình kinh doanh này tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATVSTP. Vì thế, trong "Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao" có quy định dịch vụ thức ăn đường phố phải xin phép. Gần 5 năm đã trôi qua kể từ khi quy định trên có hiệu lực nhưng việc quản lý quán ăn đường phố gần như vẫn bị thả nổi. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tại 15 tỉnh, thành phố đã xây dựng 30 xã, phường điểm về bảo đảm ATVSTP thức ăn đường phố với 100% cơ sở ký cam kết, gần 90% cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 80% người chế biến kinh doanh được tập huấn kiến thức về ATVSTP. Nhưng ngay tại địa bàn triển khai điểm về công tác quản lý thức ăn đường phố thì tình trạng mất ATVSTP vẫn tồn tại.

Nhiều hàng quán hiện nay không bảo đảm ATVSTP. Ảnh: Đàm Duy

Vì sao vẫn còn nhiều quán hàng ăn uống vi phạm quy định ATVSTP? Câu trả lời vẫn là do mức xử phạt quá thấp (80.000 đồng một lần vi phạm) chưa đủ sức răn đe. Quyền hạn của đoàn kiểm tra chỉ dừng ở việc lập biên bản xử lý, phải chờ UBND phường, xã ra quyết định nên uy của đoàn không khiến người vi phạm thấy sợ. UBND phường, xã đã được giao trực tiếp quản lý loại hình dịch vụ này khiến cho việc quản lý sâu sát hơn, nhưng có lẽ vì quan niệm "bán anh em xa, mua láng giềng gần" nên việc kiểm tra chưa thường xuyên, việc xử lý còn nể nang, kết quả kiểm tra không được công bố công khai.

Với thực trạng này, nhận định của một cán bộ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại một buổi làm việc với Bộ Y tế rằng mặc dù con số thống kê cho thấy tỷ lệ ngộ độc thực phẩm mỗi năm trung bình là 6,08/10 vạn dân, tỷ lệ tỷ vong là 0,04/10 vạn dân nhưng con số này trên thực tế có thể cao gấp 770 lần là hoàn toàn có cơ sở.

Và rồi, mỗi dịp Tết đến, lại rộ lên chuyện mất ATVSTP, cơ quan quản lý lại vào cuộc, thanh kiểm tra kiểu theo "mùa, vụ". Kết quả là thức ăn đường phố vẫn không sạch, người tiêu dùng biết thế nhưng vẫn cứ ăn.

Tùng Linh