Hậu Đại hội TDTT toàn quốc: Làm ơn… ngắn lại!
Thể thao - Ngày đăng : 06:48, 02/01/2011
Lễ bế mạc Đại hội TDTT toàn quốc 2010. |
Đông nhất
Đây là Đại hội của những kỷ lục. Không chỉ là việc đoàn Hà Nội giành 191 HCV, lập kỷ lục mới về việc gặt hái huy chương vàng mà còn ở chương trình thi đấu cũng như số bộ huy chương (41 môn thi đấu và 903 bộ huy chương). Trong các môn thi, có đủ các môn thuộc chương trình thi đấu Olympic, ASIAD, SEA Games và cả những môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, bắn ná, đua ghe ngo, đẩy gậy. Số môn thi đấu nhiều như vậy cũng dễ hiểu bởi mục đích của BTC không chỉ dừng lại ở việc đánh giá sự phát triển của thể thao thành tích cao, mà còn thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng. Vì thế, những môn thể thao ít được biết đến như trên mới xuất hiện.
Tuy số môn thi nhiều, nhưng số đoàn tham gia có phản ánh sự phát triển của môn thể thao đó tại các tỉnh, thành, ngành hay không lại là vấn đề khác. Chuyện "mượn" quân để giải quyết nhu cầu thành tích vẫn bị người ta bàn tán ở đội này, đội nọ. Và như vậy, liệu khâu đánh giá sự phát triển của môn thể thao đó trong toàn quốc có chính xác? Chẳng thà thu "ngắn" số đoàn tham dự lại hay. Ít đoàn, nhưng phản ánh chính xác chất lượng còn hơn là đông mà mượn người, không chính xác.
Dài nhất
Tiếng là cuối tháng 12 mới diễn ra lễ khai mạc nhưng các cuộc đấu của ĐH TDTT toàn quốc đã khai diễn trong tuần đầu tiên của tháng 1-2010 (!). Ngày 30-12-2010, môn thi cuối cùng của Đại hội mới kết thúc và như vậy, chỉ thiếu một tuần nữa là thời gian diễn ra Đại hội diễn ra trọn năm. Như thế là quá dài, khiến VĐV, HLV những môn thi đấu vào cuối tháng 12 luôn trong tình trạng chờ đợi, căng thẳng.
Cũng vì lễ khai mạc diễn ra muộn mà một số môn thi bị ảnh hưởng. Gió mùa đông bắc vào cuối tháng 12 tại Đà Nẵng đã khiến môn bơi phải hủy các cuộc đấu buổi sáng và chỉ thi đấu từ 15h00 thay vì 18h00. Trong khi đó, nếu lễ khai mạc diễn ra trước ASIAD độ 2-3 tháng thì đã chẳng có chuyện các VĐV điền kinh đội tuyển quốc gia (nhất là nhóm trung bình, dài, 10 môn phối hợp - hồi phục chậm hơn chạy ngắn) phải căng sức thi đấu liên tục. Các VĐV này thi đấu với tinh thần "ăn cây nào rào cây nấy", nhưng nếu các cuộc đấu được sắp xếp khoa học hơn thì VĐV được cả đôi đường, vừa cống hiến hết mình cho địa phương, ngành, vừa có cơ hội cọ xát chuẩn bị cho ASIAD 16. Được thế thì người ta không phải chứng kiến cảnh "mình đồng da sắt" như Vũ Văn Huyện (HCĐ ASIAD 16) mà sa sút thể lực, đành chào thua, không thể thi đấu tiếp và cứ day dứt vì không cống hiến được nhiều cho đoàn Quân đội. Thế nên, tổ chức ĐH TDTT toàn quốc trong gần một tháng, trước ASIAD 16 từ 2 đến 3 tháng và có thể tổ chức ở nhiều nơi, trong đó Đà Nẵng là trung tâm, vẫn là giải pháp được nhắc đến với nhiều tiếc nuối hơn cả.
Việc các môn thi được tổ chức rải rác trong năm đã không thể tạo nên không khí ngày hội đích thực của một kỳ ĐH thể thao quốc gia. Công tác tuyên truyền về ĐH, vì vậy cũng nhạt nhòa, người dân bập bõm thông tin về một sự kiện thể thao lớn. Và cũng bởi thế mà những nỗ lực tổ chức của chủ nhà Đà Nẵng cũng không được phản ánh đầy đủ.
Lần sau rồi sẽ ra sao?
Chuyện thời gian tổ chức ĐH TDTT toàn quốc không phải đến kỳ này mới được bàn đến. Ngay sau kỳ ĐH trước, một số nhà chuyên môn đã bàn chuyện rút ngắn thời gian tổ chức nhưng mọi chuyện đã không theo chiều hướng tích cực, thậm chí là Đại hội lần VI còn lập kỷ lục về thời gian tổ chức thi đấu. Sau Đà Nẵng là Nam Định - địa phương có hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kém hơn hẳn Đà Nẵng - sẽ đăng cai ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII. Lúc đó, bài học từ ĐH lần này có đem đến sự cải tổ triệt để về khâu sắp xếp thời gian tổ chức thi đấu?