Cuốn "giáo trình" nguy hiểm

Giáo dục - Ngày đăng : 06:31, 02/01/2011

(HNM)  Gần đây, trên một số diễn đàn dành cho tuổi teen và các mạng xã hội xuất hiện rất nhiều chủ đề


Em Lê Anh Quý, lớp 12A1 Trường THPT Phùng Hưng: Tò mò vì cuốn "Giáo trình dạy tự tử", em cũng đã tải về đọc. Cuốn giáo trình chỉ ra rất nhiều cách để tìm đến cái chết như dùng thuốc ngủ, nhảy cầu, treo cổ, tai nạn giao thông, điện giật, nhảy lầu, chết vì mất máu, chết vì ngạt, chết vì hơi gas… Với mỗi cách, tác giả "tận tình" hướng dẫn từng chi tiết, kèm theo những hình minh họa "bắt mắt". Chỉ đọc vài trang thôi em đã thấy sợ. Nhưng thật nguy hiểm nếu một bạn học sinh đang có chuyện buồn, thần kinh không ổn định mà đọc được những thứ chỉ dẫn này thì rất dễ dẫn đến hành động dại dột.

Em Nguyễn Mai Phương, lớp 12A2 THPT Trần Đăng Ninh: Thời gian gần đây, các bạn lớp em chuyền tay nhau bản photo cuốn "Giáo trình dạy tự tử". Có bạn, chỉ vì giận dỗi bố mẹ đã lôi cuốn giáo trình này ra, dọa rằng "sẽ hành động theo". Thậm chí là trong giờ học, nhiều bạn vẫn thì thầm to nhỏ về các cách "dạy chết". Nhiều bạn còn tìm hiểu thật kỹ cách nào phù hợp với mình nhất, cách nào đỡ đau đớn nhất… Riêng em thấy cuốn sách này rất nguy hiểm. Vậy mà các thầy, cô giáo và nhiều phụ huynh lại chưa biết đến sự tồn tại của cuốn giáo trình trên để đưa ra những biện pháp cảnh báo các bạn học sinh. Hiện nay, cuốn sách trên vẫn được đăng tải công khai trên rất nhiều diễn đàn và mạng xã hội.

Cô Hoàng Kim Thu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều: Những "giáo trình dạy tự tử" được đăng tải tràn lan trên mạng như hiện nay cho thấy thực trạng đáng buồn là giới trẻ đang phải đối mặt với nhiều áp lực và những vấn đề về tâm sinh lý khác. Công nghệ thông tin phát triển quá nhanh đã khiến bố mẹ, thầy cô giáo không dễ nhận ra ngay những áp lực mà giới trẻ gặp phải. Áp lực lớn mà giới trẻ không được chia sẻ, đồng cảm dễ dẫn tới những hành vi khó kiểm soát. Do đó, nhà trường và gia đình nên chú ý hơn đến tâm sinh lý của các em.

Tôi có đọc được thống kê của các chuyên gia tâm lý đưa ra cho thấy, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tự tử ở giới trẻ là do thất tình, sau đó là bị xúc phạm, nhục mạ, buồn và cô đơn. Đôi khi các bạn trẻ nêu vấn đề hoặc tự tử chỉ là để hù dọa gia đình và người thân, nhưng do không được cấp cứu kịp thời, nên gây hậu quả nghiêm trọng. Những em sống nội tâm và ít nói thì nguy cơ bị tác động mạnh tới tâm lý càng lớn hơn. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần phải ngăn chặn, lên án những người trực tiếp hoặc gián tiếp phát tán các loại thông tin độc hại và nguy hiểm này trên mạng internet.

Sơn Tùng