Nhà đấu giá nổi tiếng nhờ bình cổ
Xã hội - Ngày đăng : 06:09, 02/01/2011
Một gia đình bình thường ở khu Pinner, ngoại ô Luân Đôn sở hữu chiếc bình này từ năm 1930. Nó được xác định có niên đại vào thế kỷ XVIII với mác 6 chữ "Đại Thanh Càn Long niên chế" theo thể triện. Nó đã trở thành tâm điểm trong cuộc đấu giá của Bainbridges dành cho các đại gia vào cuối năm 2010 và trở thành cổ sứ đắt giá nhất trong năm 2010.
Giá khởi điểm của chiếc bình cao khoảng 45cm này chỉ khoảng 10 ngàn bảng Anh, nhưng con số cứ tăng dần và chiến thắng chung cuộc thuộc về một người từ Bắc Kinh khi dốc túi tới 51,6 triệu bảng Anh (83 triệu USD), bao gồm cả thuế và bảo hiểm để sở hữu bằng được cổ vật này. Theo Peter Bainbridges, giám đốc sàn đấu giá thì đây là một chuyện cổ tích thời hiện đại. Cái giá ngất ngưởng của cổ sứ được bán là một sự kiện chưa từng có tại sàn đấu giá không mấy tiếng tăm này của Luân Đôn.
Cổ vật trong tình trạng nguyên vẹn là một kiệt tác sứ màu thời Càn Long. Đây là loại bình "hai lòng", lớp ngoài được chạm trổ tinh vi và thêm một lớp ở bên trong dùng đựng nước. Kỹ thuật này cho những sản phẩm sứ đắc thể nhất dưới thời Càn Long với cả sứ màu và xanh - trắng. Vì cổ sứ đấu giá là sứ màu nên đắt hơn nhiều lần so với sứ xanh - trắng cùng chủng loại. Hơn thế, theo quan niệm phương Đông, các trang trí "hai cá" quanh chiếc bình cũng như hoa văn, màu sắc được thể hiện trên cổ sứ này thể hiện sự may mắn, sung túc và sang quý hiếm có.
Sự vượt trội về kỹ thuật và phong cách thể hiện cho thấy đây là một cổ vật được chế tác dành cho cung đình. Giá cao cho cổ sứ này từ một người mua tại Bắc Kinh không có gì là lạ vì một bản sứ như vậy là mơ ước của nhiều bảo tàng văn vật ở Trung Quốc.
Sau cuộc đấu giá, Bainbridges giờ đây được biết đến không kém gì hai đại gia đấu giá tầm cỡ là Sotheby's và Christie's.