Hoạt động xã hội hóa ở Hà Nội: Thiếu cơ chế ràng buộc

Đời sống - Ngày đăng : 05:18, 02/01/2011

(HNM) - Năm 2011, Hà Nội xác định mục tiêu thu hút các dự án xã hội hóa (XHH) quy mô lớn và chất lượng cao. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy hoạt động XHH ở Hà Nội vẫn là một vấn đề khó, cho dù sự kỳ vọng và tâm sức dành cho nó không phải là ít.

Hồ Sen (quận Tây Hồ) được cải tạo  bằng phương thức xã hội hóa.  Ảnh: Nguyệt Ánh


Những mảnh ghép rời rạc
Chủ trương XHH là nhằm huy động nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện các dự án thuộc nhiều ngành KT-XH như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… là giải pháp giúp TP phát triển nhanh hệ thống hạ tầng xã hội mà không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân sách TƯ hay tỷ lệ cân đối ngân sách đầu tư phát triển hằng năm của mình. Mặc dù đạt được rất nhiều thành quả, góp phần làm đa dạng, phong phú hơn sự lựa chọn, tạo tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng các dự án phát triển các ngành trên. Tuy nhiên, hoạt động XHH chưa tạo được bước đột phá để thật sự cất cánh. Sau vài năm triển khai, chủ trương này vẫn bộc lộ không ít hạn chế.

Nhìn tổng thể về hoạt động XHH từ chính sách, con người đến cách thức triển khai thực hiện có thể thấy các "mảnh ghép" để vận hành chủ trương này còn rất rời rạc, chưa tạo thành hệ thống. Rời rạc nhất có lẽ chính là việc chưa huy động được sự vào cuộc đồng thời của các cấp, các ngành. "Tôi thấy rằng, quận, huyện chưa quan tâm triển khai công tác XHH. Nên mỗi khi nhà đầu tư hỏi đến, có khi lại được "chỉ chỏ" lệch pha, không đúng địa chỉ, khiến họ chán nản" - ông Nguyễn Đức Biền, Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội nhận xét. Trả lời câu hỏi tại sao ngành giáo dục không nắm được các dự án XHH giáo dục, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, theo quy định, chuyên ngành chỉ giới thiệu nhà đầu tư sang Sở KHĐT là xong. Vì điều này, hiệu quả thực sự của XHH đối với một ngành chưa được đánh giá chính xác, đầy đủ. Mà khi chưa làm được việc này, chúng ta cũng không thể biết được ngành đó đang cần gì, cái gì cần đầu tư gấp, cái gì có thể thong thả. Mặt khác, XHH là chủ trương lớn, thực hiện trên quy mô lớn, thiếu sự vào cuộc của các quận, huyện sẽ rất khó làm tốt. Vì dự án XHH triển khai và sau này khai thác, thụ hưởng như thế nào đều liên quan mật thiết đến các địa phương.

Tình trạng trên là do chưa có một cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các cấp, các ngành và giữa các bên liên quan. Điều này dẫn tới hiện tượng: có những dự án XHH sau một thời gian dài đình trệ lại được chuyển đổi thành các dự án thương mại. "Chúng ta phải có chế tài ràng buộc nhà đầu tư XHH, không để tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng như vậy tái diễn" - Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng nhận định. Chưa kể, chính vì thiếu sự ràng buộc trách nhiệm, hàng loạt khu đô thị mới theo quy định phải làm đồng bộ cả trường học, nhưng hầu hết đều làm đô thị trước, rồi kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp sau.

TP Hà Nội đã tiến hành XHH trong việc xây dựng một số  hạng mục tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao. Ảnh: Bảo Lâm


Bốn trở lực lớn
Thủ tục hành chính là trở lực rất lớn. "TP đã có nhiều chế độ ưu đãi đối với nhà đầu tư, quy định ở nhiều văn bản, nhưng doanh nghiệp rất khó khăn để "xin" được ưu đãi đó" - đại diện của Cục Thuế Hà Nội phản ánh. Đây có lẽ là lý do khiến một số dự án XHH bị đình trệ, vì theo Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Văn Sửu, "không ít nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi hỗ trợ từ phía TP". Mặt khác, dù Sở KHĐT làm đầu mối "một cửa" nhận hồ sơ rồi "liên thông" qua các sở để thẩm định, phê chuẩn, nhưng con đường vòng từ hoàn thiện hồ sơ đến khi có được quyết định trong tay vẫn rất gian nan. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phải chỉ đạo Sở KHĐT chủ trì soạn thảo cẩm nang về thủ tục hành chính lĩnh vực XHH để hướng dẫn các nhà đầu tư. "Cải cách hành chính không phải trên mây trên gió, mà chính là ở việc này. Các ngành phải cùng vào cuộc rà soát, giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng cường trách nhiệm cán bộ, công chức của mình" - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Trong khi đó, để thúc đẩy tiến độ các dự án XHH, không có cách nào khác là TP phải xây dựng được quỹ đất sạch. Do thiếu quỹ đất sạch nên các nhà đầu tư phải thực hiện GPMB, vấn đề "hóc búa nhất trong những vấn đề hóc búa" khi thực hiện các dự án. Muốn làm được việc này, mỗi ngành, mỗi địa phương đều cần vào cuộc rà soát trên địa bàn, căn cứ vào nhu cầu và mục tiêu phát triển để xây dựng kế hoạch sử dụng đất, từ đó tiến hành GPMB để lập quỹ đất sạch. Chỉ khi có quỹ đất sạch, TP mới có thể thu hút được đầu tư vào các dự án quy mô lớn, chất lượng cao vốn là "của hiếm" trong hoạt động XHH những năm qua. Thiếu quỹ đất sạch sẽ ngăn cản việc thực hiện được danh mục dự án kêu gọi XHH. Nhà đầu tư sẽ còn thiếu mặn mà cho tới chừng nào họ vẫn phải bận tâm đối phó với vấn đề GPMB. Một trở lực khác của công tác XHH nằm ở danh mục kêu gọi đầu tư, vì đến nay TP vẫn chưa lập được danh mục này. Sự chờ đợi một danh mục như vậy đã diễn ra vài năm, khiến những người trong cuộc chuyển từ tâm lý đợi chờ sang bức xúc. Đến mức, chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi họp với lãnh đạo các ngành về XHH mới đây đã phải khẳng định quyết tâm "Phải lập bằng được danh mục các dự án XHH để kêu gọi đầu tư".

Có thể hiểu được tại sao lĩnh vực XHH của Hà Nội chưa thể "thăng hoa". Chừng nào 4 trở lực, gồm thiếu ràng buộc trách nhiệm, thủ tục hành chính phức tạp, chưa có quỹ đất sạch và danh mục dự án kêu gọi đầu tư, được giải quyết, lúc ấy công tác XHH mới có thể "đơm hoa, kết trái" thực sự.

Võ Lâm