Sớm loại bỏ rùa tai đỏ khỏi hồ Hoàn Kiếm

Xã hội - Ngày đăng : 08:10, 01/01/2011

(HNM) - Sáng 31-12, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã họp bàn giải pháp loại bỏ rùa tai đỏ (RTĐ) tại hồ Hoàn Kiếm. Ngoài các cơ quan quản lý, cuộc họp có sự tham gia của một số chuyên gia về sinh vật học.


Theo công bố của PGS-TS Hà Đình Đức (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), tại hồ Hoàn Kiếm, RTĐ đã xuất hiện từ năm 2004 và chúng có sức sống tốt trong nhiều môi trường khác nhau. RTĐ được tổ chức môi trường thế giới xếp vào hàng 100 loài xâm hại môi trường mạnh nhất...

GS-TS Mai Đình Yên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về RTĐ. Tuy nhiên, các nguồn tư liệu nước ngoài cho thấy RTĐ khi bé thường ăn thịt, lớn lên ăn cỏ và đến nay chưa có tư liệu nói rằng chúng ăn tảo. RTĐ có thể ăn côn trùng trên cạn, tôm, cua, kể cả động vật có xương sống nhỏ. GS-TS Mai Đình Yên cho rằng, ngoài việc tuyên truyền cho người dân không phóng sinh RTĐ xuống hồ, có thể bắt chúng bằng những chiếc bẫy nhỏ theo mô hình người dân Trung Quốc, Nhật Bản thường làm.

PGS-TS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam) cho biết, hiện chưa có tư liệu nào nói RTĐ thiết lập được quần thể. "RTĐ không sống lâu được dưới nước như rùa mai mềm hay ba ba. Nhưng trước thông tin trên mạng thì cần cẩn thận" - PGS-TS Lê Nguyên Ngật, Khoa Sinh, ĐH Sư phạm Hà Nội bổ sung thêm.

Với kinh nghiệm 14 năm nuôi rùa, trong đó có RTĐ, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thương mại Hà Nội Khanh Anh Trang cho biết, RTĐ sinh sản rất nhanh ở môi trường thuận lợi - có bãi cát để đẻ và ấp hoặc ấp nhân tạo thì tỷ lệ nở thành công là 80%. RTĐ trong môi trường ao hồ tự nhiên chỉ tìm ăn thực phẩm và động vật thối rữa. Chúng ăn rau bèo và không ăn động vật sống đang bơi. Khi ở môi trường nuôi nhốt để bị đói, RTĐ có thể ăn thịt lẫn nhau. "Tôi khẳng định có thể bắt hết 99% RTĐ mà vẫn giữ được môi trường, cảnh quan của hồ Hoàn Kiếm. Ta sẽ chế tạo lồng bằng nhựa hoặc inox có kích thước phù hợp để không làm ảnh hưởng đến cụ Rùa. Sẽ có khoảng 10-20 lồng được đặt quanh Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn. Thức ăn nhử RTĐ sẽ được chế biến riêng, không gây ô nhiễm cho hồ. Tuy nhiên, do rùa đang ở kỳ nghỉ đông nên việc bắt RTĐ sẽ khó hơn khi bắt vào mùa hè" - ông Khôi khẳng định.

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết: Sẽ sớm trình thành phố giải pháp bắt RTĐ khi chúng ở dưới nước và trên cạn nhưng vẫn bảo đảm mỹ quan đô thị, không làm ảnh hưởng đến loài rùa đặc hữu ở hồ. Công việc sẽ được tiến hành khẩn trương, nhưng trước khi áp dụng tại hồ Hoàn Kiếm thì cần thử nghiệm bắt RTĐ tại một hồ nào đó, để kiểm tra tính khả thi. Hiện nay, Sở KHCN đã thành lập một tổ công tác chịu trách nhiệm bắt RTĐ tại hồ Hoàn Kiếm.

Thế Dũng