10 sự kiện nổi bật của kinh tế VN năm 2010
Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 01/01/2011
Các tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá, Việt Nam là một trong những nước sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi nhanh sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tăng 6,78% so với năm 2009, vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm (6,5%). Kết quả trên khẳng định sự kịp thời và hiệu quả của những biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện. Xuất khẩu là mảng sáng nhất trong bức tranh kinh tế, với tổng kim ngạch 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm ngoái, trong đó xuất khẩu gạo lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay với 6,8 triệu tấn, đạt giá trị 3,2 tỷ USD.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.
2- Hai công trình trọng điểm quốc gia đi vào hoạt động:
Từ ngày 17-12-2010, tổ máy số 1 công trình Thủy điện Sơn La bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia, sớm hai năm so với tiến độ Quốc hội thông qua. Dự án Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW) là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà; dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.
Trong năm đầu vận hành, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước, đã sản xuất được 6,75 triệu tấn sản phẩm, xuất bán hơn 6,66 triệu tấn xăng, dầu. Từ giữa tháng 11-2010 đến nay, nhà máy vận hành an toàn liên tục ở mức 105-107% công suất thiết kế, trung bình mỗi ngày chế biến khoảng 18.000 tấn xăng, dầu và các loại sản phẩm hóa dầu.
Lắp đặt rotor tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La.
3- Số thu ngân sách tăng cao:
Theo Tổng cục Thuế, số thu ngân sách năm 2010 đạt 400.800 tỷ đồng, vượt 11% so với dự toán, tăng 21,4% so với năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 330.000 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng từ 61% năm 2009 lên 62,5% năm 2010, thu từ sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ trọng 72% trong tổng thu nội địa. Ngành hải quan số thu đạt khoảng 170.000 tỷ đồng, vượt 29,3% so với dự toán, 17,5% so với chỉ tiêu phấn đấu, tăng 18,2% so với năm trước. Kết quả này phản ánh rõ nét sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN.
Nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình.
4- Cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ:
Theo Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối năm 2010, có hơn 40 tỉnh, TP thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thông qua hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia. Điểm nổi bật của hệ thống này là giảm thiểu sự can thiệp của con người vào xử lý nghiệp vụ nhằm hạn chế tiêu cực, có tính tập trung cao, dễ sử dụng... Bốn ngành thuế - hải quan - kho bạc - tài chính đã triển khai dự án hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế và đã hoàn thành dự án tại 100% tỉnh, thành phố, giúp người nộp thuế rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ, giảm nguồn lực nhập thông tin về chứng từ thu. Thông tin về người nộp thuế được chuyển kịp thời cho Kho bạc Nhà nước, phản ánh thu các khoản nhanh chóng, chính xác.
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận “một cửa liên thông”.
5- Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT:
Ngày 22-9-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT&TT). Đề án tạo bước đột phá quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó có tập trung phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp CNTT, hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập tin học, ứng dụng CNTT, xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường CNTT-TT. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng dịp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động hải quan.
6- "Trả lại tên" cho cá tra Việt Nam:
Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã (WWF) tại 6 nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Nauy và Đan Mạch đã xếp cá tra của Việt Nam vào danh sách "đỏ" để khuyến cáo người tiêu dùng không nên lựa chọn sử dụng. Ngay sau đó, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã đưa ra quan điểm và những bằng chứng chứng minh cá tra "vô tội". Các bên liên quan đã hợp tác điều tra, thẩm định và sớm đạt được thỏa thuận về việc hướng tới sản xuất bền vững, có chứng chỉ của ngành chế biến cá tra ở Việt Nam.
Nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch cá tra.
7- Công ty Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường:
Sau khi vụ việc Công ty Vedan Việt Nam xả chất thải ra sông Thị Vải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường bị phát hiện, các cơ quan hữu trách đã khẩn trương điều tra làm rõ mức độ vi phạm để xử lý. Hàng nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp đã làm đơn khởi kiện Vedan ra tòa. Vedan đã "tâm phục khẩu phục" và chấp nhận bồi thường cho các địa phương với tổng số tiền khoảng 220 tỷ đồng. Việc chi trả tiền bồi thường đang được tiến hành.
Các luật sư phối hợp với người dân khởi kiện Công ty Vedan.
8- Tái cơ cấu Vinashin:
Vinashin - tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Tổng số nợ Tập đoàn công bố là 86.565 tỷ đồng. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin. Vinashin đang dần vào "quỹ đạo". Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ, chỉ trong 60 ngày thi đua cao điểm, đến ngày 25-12, Tập đoàn đã hoàn thành, bàn giao 38 tàu cho các đối tác và đến ngày 31-12, bàn giao tổng cộng 42 tàu, vượt kế hoạch 7 tàu. Cùng với 22 tàu bàn giao trước đó, trong năm 2010, Vinashin đã bàn giao 64 tàu với tổng giá trị 577 triệu USD.
Tàu do Vinashin đóng mới trước khi bàn giao.
9- "Sóng gió" trên thị trường tiền tệ và vàng:
Trong 2 tháng cuối năm, lãi suất huy động VND đột nhiên được một số ngân hàng đẩy lên 17-18%/năm, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Mặc dù mức lãi suất này chỉ áp dụng trong thời gian ngắn bởi cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, song cũng đủ để khiến người dân cũng như DN lo ngại. Giá vàng có nhiều "cơn sốt nóng" khi phá hết kỷ lục này đến lập "đỉnh cao" khác. Đỉnh điểm đã có những khoảng thời gian giá vàng lên trên 38 triệu đồng/lượng. Lại một lần nữa, cơ quan chức năng phải vào cuộc để bình ổn thị trường.
Thị trường vàng liên tục biến động trong những ngày cuối năm.
10- Chỉ số giá tiêu dùng vượt ngưỡng 2 chữ số:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 1,98% so với tháng trước, là mức cao nhất trong cả năm. Như vậy, mức độ lạm phát cả năm 2010 là 11,75%, vượt qua mức chỉ tiêu về lạm phát đặt ra cho năm nay. Đáng lưu ý là diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm nay là mức độ vênh lớn, tức tháng cao nhất so với tháng thấp nhất lệch nhau hơn 1,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong tháng 12-2010.