Kinh tế Hà Nội phát triển toàn diện
Kinh tế - Ngày đăng : 07:15, 01/01/2011
Mặc dù mới thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu, song KT-XH của Hà Nội vẫn phát triển toàn diện và đạt được những kết quả khả quan: tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,4%, tổng mức bán lẻ tăng 31,2%, tổng vốn đầu tư phát triển tăng 17,2%...
Sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi
Vận hành dây chuyền dệt tại Công ty CP Dệt vải công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh
Năm 2010, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu, điện, than và giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào và nhập khẩu tăng đã đẩy giá thành sản xuất tăng. Việc tiếp cận với các nguồn vốn vay khá khó khăn do lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng ở mức cao; tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh; tình trạng thiếu điện ảnh hưởng tới sản xuất... Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn trên đà tiếp tục phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,4%, trong đó kinh tế nhà nước tăng 9,3%. Kinh tế nhà nước TƯ tăng 8,9% với 19/20 ngành sản xuất tăng, một số ngành tăng khá như khai thác quặng, chế biến thực phẩm, thuốc lá, sản xuất khoáng phi kim loại, điện.
Giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương tăng 10,8% với 14/16 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành tăng khá là sản xuất trang phục tăng 35%, các sản phẩm từ cao su tăng 25,3%, phương tiện vận tải khác 27,7%...
Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước tăng 14,9%, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 15,9%, doanh nghiệp tư nhân tăng 18,6%... Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,8% với cả 20 ngành tăng, trong đó có một số ngành tăng khá như sản xuất khoáng phi kim loại, chế tạo thiết bị máy móc, sản xuất dụng cụ chính xác, đồ gỗ…
Thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển
Năm 2010, Hà Nội thu hút được 278 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 290 triệu USD, trong đó cấp mới 255 dự án với vốn đầu tư đăng ký 113,2 triệu USD; bổ sung tăng vốn 21 dự án với 176,6 triệu USD.
Trong năm, tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 30,5%, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 31,2%. Hà Nội hiện là trung tâm bán buôn của khu vực phía Bắc với tỷ trọng bán buôn chiếm tới 77% trị giá tổng số bán ra. Hệ thống bán lẻ của Hà Nội tăng nhanh với mạng lưới gồm 362 chợ, 70 trung tâm thương mại, siêu thị và một loạt hệ thống cửa hàng tự chọn. Những tháng cuối năm, với diễn biến bất thường của giá vàng và đôla Mỹ, gây sức ép tăng giá nhiều mặt hàng đã có tác động không nhỏ tới thị trường. Tuy nhiên, thực hiện chương trình bình ổn giá của thành phố, cùng với tổ chức tháng khuyến mãi tại trên 1.100 điểm bán hàng đã đưa doanh số bán hàng trong tháng tăng cao, đặc biệt, các điểm bán hàng khuyến mại đã mở rộng tới vùng nông thôn, ngoại thành tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có cơ hội mua hàng giá rẻ.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 26,3%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 30,8%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng 30-40% như gạo, dệt may, điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi, thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh, dây điện và cáp điện. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 12%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 3,8%, nhiều nhóm tăng khá như máy móc thiết bị phụ tùng, hóa chất, chất dẻo, xăng dầu...