Hỗ trợ nông dân sản xuất, sơ chế quả an toàn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:32, 31/12/2010
An toàn là hiệu quả
Thu hoạch hồng xiêm tại xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm). Ảnh: Trung Kiên
Từ tháng 5-2010, mô hình sản xuất đu đủ an toàn được triển khai tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng với diện tích 10ha. Ông Nguyễn Khắc Thuận, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thượng Mỗ cho biết, có 120ha bưởi Diễn, 36ha đu đủ, việc áp dụng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ngay sau khi có dự án, Chi cục BVTV Hà Nội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở lớp tập huấn cho 37 nông dân, về cách trồng, chăm sóc, bón phân đúng quy trình, liều lượng để bảo đảm an toàn. Đồng thời, nông dân tham gia mô hình còn được hỗ trợ phân bón vi sinh (25kg/sào) và thuốc BVTV. So với đu đủ thông thường, giá bán đu đủ an toàn cao hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Ngoài xã Thượng Mỗ, Chi cục BVTV Hà Nội còn triển khai mô hình trồng bưởi Diễn an toàn ở xã Phú Diễn (Từ Liêm), ổi an toàn ở xã Đông Dư (Gia Lâm), chuối an toàn ở xã Tự Nhiên (Thường Tín), chè an toàn ở huyện Sóc Sơn... Các xã này còn được hỗ trợ máy tính, máy in mã vạch cho sản phẩm… Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Đông Dư Nguyễn Quang Huy cho biết: Đông Dư có 153ha đất canh tác, chủ yếu trồng lúa và màu, cây ăn quả, trong đó nguồn thu chủ yếu là từ sản xuất rau gia vị an toàn và ổi găng. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 1.040 hộ dân thì có gần 1.000 hộ có đất trồng ổi với tổng diện tích lên tới trên 60ha; hơn 300 hộ tham gia sản xuất rau và rau gia vị an toàn trên diện tích khoảng 30ha. Nhờ chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ổi găng Đông Dư đã chiếm được tình cảm của đông đảo người tiêu dùng Thủ đô, sản phẩm làm ra tới đâu, nông dân bán hết tới đó. Giá 1 kg ổi Đông Dư trái vụ có thể lên tới 25.000 đồng. Theo ông Huy, HTX đã phối hợp với Chi cục BVTV Hà Nội, các nhà khoa học Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đưa ra nhiều biện pháp kỹ thuật mới như cắt tỉa, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là chống ruồi vàng đục quả theo hướng thâm canh bền vững nên đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Cương, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Diễn cho biết: "Với việc triển khai mô hình 10ha bưởi Diễn an toàn, nhận thức của bà con đã thay đổi đáng kể. Việc chăm sóc bưởi được làm đúng quy trình, bảo đảm an toàn mới tạo dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm". Đối với người trồng chuối ở xã Tự Nhiên (Thường Tín), cán bộ kỹ thuật cũng hướng dẫn và giám sát nông dân trồng, chăm sóc cây theo quy trình chặt chẽ, chỉ dùng thuốc BVTV khi thật cần thiết nên sản phẩm đã đạt độ sạch cao.
Nông dân giữ vai trò quan trọng
Trước nay, điểm yếu trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản ở các địa phương là ở khâu thu hoạch, bảo quản. Khắc phục vấn đề này, người nông dân đã được hướng dẫn rất cặn kẽ cách dấm, ủ để làm cho chuối, đu đủ chín đều. Đến nay, các hộ tham gia mô hình đã tuân thủ nghiêm túc phương pháp dấm, ủ bằng hương, lá cây hoặc gói trong chăn, vải sạch để quả chín, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, chuối và đu đủ là những loại cây ăn quả cho thu hoạch nhanh, hiệu quả kinh tế cao và tiêu thụ khá ổn định trên thị trường Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận. Trung bình mỗi hécta trồng đu đủ hoặc chuối có thể cho lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Để nâng cao chất lượng nông sản, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, việc áp dụng quy trình sản xuất sạch là rất cần thiết, vì vậy ngoài sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan chức năng, ý thức tự giác của người nông dân giữ vai trò then chốt giúp mô hình thành công, bền vững.
Tuy nhiên, để các mô hình này hoạt động hiệu quả và ngày càng mở rộng hơn thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo ông Nguyễn Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ, cần có địa chỉ mua giống bảo đảm chất lượng và nguồn cung phân bón, thuốc BVTV vi sinh tin cậy. Ngoài ra, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức quan trọng. Hiện sản phẩm chuối, đu đủ an toàn đã được dán lôgô và đưa vào giới thiệu tại một số điểm bán hàng trong TP. Tuy nhiên, khi các địa phương mở rộng diện tích, phải có nhiều đơn vị thu mua sản phẩm chứ không thể chỉ HTX đứng ra tiêu thụ cho bà con. Vì vậy, việc liên kết "4 nhà" cũng cần chặt chẽ mới cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.