Cần khẩn trương cưỡng chế, di dời, GPMB
Đời sống - Ngày đăng : 01:29, 30/12/2010
(HNMO) – Thường trực quận ủy Hoàn Kiếm vừa chính thức ra thông báo số 36 – TB/ QU, trong đó yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành các biện pháp kiên quyết cưỡng chế hành chính di dời các hộ không chấp hành bàn giao mặt bằng phục vụ cho dự án xây dựng Trung tâm Thương mại – Văn phòng – nhà ở tái định cư tại 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Như HNMO đã đưa tin, từ 25/11/2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã thông báo về kế hoạch giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất tại 22 – 24 Hàng Bài và 25 – 27 Hai Bà Trưng nhằm phục vụ dự án xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tái định cư theo quyết định của UBND Tp. Theo đó, chậm nhất đến 15/1/2011 chính quyền quận sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế hành chính kiên quyết để thu hồi đất đối với một số ít hộ cá thể còn cố tình chây ỳ, đưa ra những đòi hỏi vô lý để không di dời và nhận tiền đền bù, gây cản trở cho tiến độ chung của dự án.
Cách đây hơn 6 năm, tháng 11/2004 UBND TP Hà Nội có quyết định 7774/QĐ – UB thu hồi 4.072,9m2 đất tại số 22 – 24 Hàng Bài và 25 – 27 Hai Bà Trưng giao cho Cty Kinh doanh Xây dựng Nhà (nay là Cty CP Thời đại T&T) làm Chủ đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tái định cư tại chỗ cho các hộ dân phải di dời. Trong tổng diện tích trên có hơn 3.600 m2 của XN nhựa Hà Nội (đã được di dời) và hơn 300m2 đất phải GPMB liên quan tới 17 chủ sở hữu với 26 hộ dân. Hội đồng BTHTTĐC quận và Nhà đầu tư đã phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn đã triển khai đầy đủ các thủ tục, quy trình theo quy định, đảm bảo dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Chính quyền quận, phường, MTTQ và các đoàn thể đã nhiều lần tổ chức tiếp xúc, trao đổi với dân, kiên trì tuyên truyền, vận động họ ủng hộ chủ trương của Tp, đồng thời liên tục điều chỉnh, bổ sung phương án hỗ trợ, đền bù theo hướng có lợi nhất cho người dân. Chủ đầu tư cũng vào cuộc với trách nhiệm cao, quan tâm tới lợi ích của người dân bằng giải pháp bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân phải di dời với giá cao nhất (hơn 500 triệu/m2 nhà thông tầng). Kết quả có 15/17 chủ sở hữu đã vui vẻ nhận tiền đền bù, hỗ trợ giao mặt bằng cho dự án. Đến nay chỉ còn 2 chủ sở hữu trây ỳ không chấp hành, yêu cầu mức giá “trên trời”, đồng thời đâm đơn từ đi khiếu nại các nơi. Việc này đã và đang cản trở nghiêm trọng tới tiến độ dự án, gây lãng phí tiền của xã hội, cũng như bức xúc trong dư luận nhân dân…
Một góc của dự án đã được quây tường bao trên phố Hàng Bài
Theo ông Hoàng Công Khôi, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, thì dự án xây dựng Trung tâm Thương mại – Văn phòng – nhà ở tái định cư tại 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng nằm trong chủ trương của Tp về xã hội hóa đầu tư XD mới các khu chung cư, khu tập thể cũ đã xuống cấp, qua đó nâng cao điều kiện sống cho người dân, góp phần cải thiện kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc một số ít hộ dân cố tình cản trở dự án là không thể chấp nhận. UBND quận đã họp với các sở, ngành của Tp thống nhất áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính và đã được UBND Tp đồng ý. Vì vây, Thường trực Quận ủy yêu cầu:
- UBND quận chỉ đạo thực hiện cưỡng chế hành chính di dời đối với các hộ dân còn lại tới khu tạm cư, hoàn thành việc GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai dự án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Việc tổ chức cưỡng chế phải chu đáo, đúng trình tự, chặt chẽ về các thủ tục pháp lý. Giao thanh tra Nhà nước, phòng tư pháp, Ban GPMB quận kiểm tra hồ sơ và mọi căn cứ pháp lý đảm bảo đúng quy định.
- UBND quận ban hành thông báo về chủ trương của TP, của quận về dự án trên, đồng thời thông báo về quá trình triển khai GPMB tới cán bộ chủ chốt quận và các phường (đặc biệt là ở 2 phường Tràng Tiền và Hàng Bài) để cán bộ và nhân dân dưới cơ sở hiểu rõ sự việc, qua đó tạo sự đồng thuận trong triển khai dự án.
- Yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục phối hợp cùng MTTQ, các đoàn thể và cán bộ cơ sở 2 phường (Tràng Tiền và Hàng Bài) tổ chức tiếp xúc, tuyên truyền, vận động các hộ dân. Khi các hộ dân chấp nhận phương án của nhà đầu tư thì phải cam kết di dời tới khu tạm cư, bàn giao ngay mặt bằng sau khi đã nhận đủ kinh phí bồi thường.
Được biết, trong trường hợp phải cưỡng chế thì các hộ dân sẽ phải tự lên Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để nhận tiền đền bù theo đúng quy định của Nhà nước.