Tết đến, hàng giả lại tung hoành

Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 29/12/2010

(HNM) - Trong năm 2010, lượng hàng giả, hàng nhái phát hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhiều… gấp đôi năm trước. Trong tháng giáp Tết, khi nhu cầu người tiêu dùng tăng thì hàng nhái, hàng giả cũng xuất hiện nhiều hơn. Trong khi đó, sự chấp nhận dễ dãi của người tiêu dùng càng đẩy cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái vào gian nan.

Muôn hình vạn trạng hàng giả

Theo Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, trong năm 2010 đã phát hiện 577 vụ hàng giả, tăng 376 vụ so với năm trước. Hàng nhập lậu, hàng vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, đăng ký kinh doanh… đều tăng so với năm 2009. Trong khi đó, số vụ hàng cấm phát hiện được có giảm nhưng không phải do hàng cấm ít đi mà là do các đối tượng hoạt động tinh vi hơn nên khó phát hiện.

QLTT TP HCM niêm phong thuốc tây quá hạn sử dụng.

Hàng giả được phát hiện hầu hết có xuất xứ nước ngoài và nhập lậu vào Việt Nam. Bị làm giả nhiều nhất là hàng tiêu dùng và thời trang như quần áo, giày dép, túi xách, máy tính… Đáng lo ngại là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng như thuốc tây, mỹ phẩm, thực phẩm cũng bị làm giả rất nhiều. Mới đây, Đội QLTT quận Tân Bình đã phát hiện tại số nhà 114/10 đường Yên Thế chứa trữ nhiều dầu gội, sữa tắm, nước hoa, son, phấn... và sữa hộp không có hóa đơn chứng từ. Đội QLTT Bình Tân ngày 15-10 kiểm tra Công ty Mỹ phẩm Hoa Sen (phường Bình Trị Đông, Bình Tân) cũng phát hiện nhiều loại mỹ phẩm giả nhãn hiệu. Đội QLTT 12B kiểm tra số nhà 490/12/7 Hà Huy Tập (quận 12) phát hiện chứa trữ nhiều hàng giả mạo Comfort, Rejoice, Clear, Xmen…

Xăng dầu và gas cũng là mặt hàng có nhiều vi phạm. Từ tháng 6 đến hết tháng 11, kiểm tra 53 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm đến 22 cửa hàng, trong đó có 6 cửa hàng vi phạm về chất lượng (không đạt trị số octan), 6 cửa hàng vi phạm đo lường, còn lại là các vi phạm về hóa đơn, không niêm yết giá… Đội QLTT 4A, Củ Chi cũng phát hiện nhiều vụ gas giả các nhãn hiệu Elf, Shell, Petrolimex…

Người tiêu dùng tiếp tay hàng giả

Trong khi công tác chống hàng giả, hàng nhái vô cùng gian nan thì người tiêu dùng lại… vô tư tiếp tay cho các mặt hàng này phát triển! Đa phần người sử dụng đều hiểu chất lượng hàng giả, hàng nhái không thể bằng hàng thật, tuy nhiên họ vẫn lựa chọn bởi khó cưỡng lại được sức hút của giá rẻ và mẫu mã đẹp.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ đi về các tỉnh, nơi người tiêu dùng thiếu thông tin mà nhiều người ở TP vẫn chấp nhận loại hàng này. Tại các chợ, trung tâm mua sắm các loại hàng thời trang như quần áo, túi xách, giày dép nhãn hiệu Louis Vuitton, Levi's, Lacos, CK, Valentino, Versace, Guess, Armani, Guci… được bày bán tràn lan với giá chỉ có vài trăm ngàn đồng và tấp nập người mua sắm. Có thể kể đến những nơi bán hàng nhái công khai như Saigon Square

... Người tiêu dùng đều biết đây là hàng nhái vì giá quá rẻ, nhưng nói như chị Mỹ Hạnh, nhân viên văn phòng thì hàng thật giá đắt hơn cả chục lần, trong khi đó hàng nhái cũng đẹp, giá rẻ phù hợp túi tiền nên chị chấp nhận. Không chỉ những mặt hàng như quần áo thời trang, giày dép, nhiều người tiêu dùng cũng chấp nhận rủi ro khi sử dụng những sản phẩm bảo vệ sức khỏe, tính mạng như mũ bảo hiểm. Tại các đường phố, không khó để nhìn thấy mũ bảo hiểm kém chất lượng bày bán tràn lan với giá chỉ 30.000 - 40.000 đồng.

Ông Lê Xuân Đài, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc chống hàng giả, hàng nhái của lực lượng QLTT vốn đã khó khăn còn gian nan gấp bội vì sự bàng quan của người tiêu dùng. Điều này hoàn toàn đúng, vì ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng và sự nghiêm túc của các nhà sản xuất, kinh doanh, rất cần ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng thì việc loại trừ hàng giả, hàng nhái mới được thuận lợi.

Thùy Linh