Bài 3: Làm hết cách, vẫn khó kiểm soát
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:46, 29/12/2010
Nhất thuốc lá, nhì điện thoại
Mặt hàng giả nhiều nhất, được bọn buôn lậu chuộng nhất hiện nay ở Móng Cái là thuốc lá. Thuốc lá ở đây loại nào cũng có, từ những thương hiệu sang đẳng cấp thế giới đến các loại ít tên tuổi của Trung Quốc và Việt Nam. Giới buôn lậu hàng này thường chuộng nhãn hiệu 555 và Vinataba. Vinataba là thương hiệu của Việt Nam nhưng được "sản xuất" từ bên kia biên giới, tinh vi đến mức người nghiện thuốc lá cũng khó nhận biết.
Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền chống buôn lậu trên xe khách. |
Qua giới thiệu của A Phong, một người bạn mới quen từ bên kia biên giới chúng tôi tiếp cận được Hòa "thuốc lá" - một trong những chân rết chuyên đánh loại hàng này. Dù có thể ngồi một lúc đọc ra hàng trăm nhãn hiệu thuốc lá và kể về đặc tính từng vị thuốc này nhưng Hòa lại chỉ xài thuốc hiệu "song hỷ" Trung Quốc có giá hiện tại 70.000 đồng/bao. Theo Hòa, chỉ loại thuốc lá này mới đáng tin cậy vì được chính giới buôn thuốc lá người Hoa hay sử dụng, còn các loại thuốc khác đang bày bán ở Móng Cái đều là giả. Về thương hiệu Vinataba đang bị làm giả với số lượng không thể kiểm soát, Hòa khẳng định, chỉ có dân trong nghề lâu năm mới phân biệt được hàng thật, hàng giả. Họ thường găm trong mình một chiếc cân nhỏ xíu và khi trao đổi hàng, họ kín đáo lấy ra một bao mẫu cân đong đo đếm. Vỏ bao thuốc Vinataba của ta sản xuất từ chất liệu bìa tốt nên nặng hơn vỏ bao cùng chủng loại được làm giả. Từ cách phân biệt này, lúc đó các chủ hàng mới phát giá lô hàng trên theo đúng giá trị thực của nó. Thuốc lá giả nếu thu mua tận gốc có khi thấp hơn giá trị thực từ 3-4 lần. Lãi ròng lớn và có thị trường tiêu thụ ổn định lớn như vậy nên thuốc lá vẫn là mặt hàng lậu thuộc diện "hot" hiện nay. Sau những cơn sốt gà lậu và mũ bảo hiểm lậu, giờ dân buôn Móng Cái truyền khẩu "nhất thuốc lá, nhì điện thoại".
Là một tay mới vào nghề, dù chưa đủ sức sắm xuồng cao tốc để lực lượng chức năng không thể truy đuổi, nhưng nhờ vào vốn quen biết sau nhiều năm lăn lộn làm thuê trên đất bạn, nên Hòa "thuốc lá" cũng được khá nhiều người biết tiếng. Theo Hòa, bản thân dân buôn lậu có sự cạnh tranh ghê gớm về địa bàn và nguồn hàng. Khác với các bạn hàng người Hoa, giới buôn lậu người Việt không đoàn kết và thường triệt hạ nhau bằng vô vàn mánh khóe.
Ồ ạt hàng lậu tràn về xuôi
Theo quy luật chung, cứ vào quý IV hằng năm, nhu cầu mua bán của thị trường tăng. Song song với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa đúng pháp luật thì vẫn tồn tại tình trạng buôn bán, vận chuyển, tập kết hàng nhập lậu. Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu sẽ càng phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Ông Nguyễn Công San, Đội trưởng Đội QLTT số 1 - QLTT TP Hà Nội cho biết: "Một trong những mánh khóe phổ biến mà các đối tượng buôn lậu vẫn hay sử dụng để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng là liên tục thay đổi tuyến đường vận chuyển hàng, sang hàng, thay đổi biển số xe… Không chỉ vận chuyển hàng lậu bằng đường bộ, các đối tượng còn sử dụng cả đường hàng không, dịch vụ chuyển phát nhanh và đường sắt".
Mới đây nhất, lực lượng chống buôn lậu TP Hà Nội còn phát hiện ra các đối tượng buôn lậu từ Lạng Sơn về sử dụng nguyên một toa tàu để vận chuyển hàng hóa. Vụ việc được phát hiện vào ngày 14-12, tại ga Yên Viên (quận Long Biên), Đội QLTT số 1 phối hợp PC46 - CATP đã kiểm tra bắt giữ 69 bao hàng (trị giá lô hàng ước tính khoảng 400 triệu đồng), gồm quần áo, dày dép, đồ điện tử, tạp hóa, phụ kiện điện thoại… tại khu vực tập kết hàng hóa vận chuyển từ Lạng Sơn về. Cùng ngày, tại khu vực ga Hà Nội, Đội QLTT số 1 phối hợp lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 93 bao tải hàng nghi vấn tại một toa tàu chuẩn bị được vận chuyển vào miền Nam. Xuất xứ lô hàng này đều có nguồn gốc từ Lạng Sơn và Quảng Ninh về. Cơ quan chức năng đang so sánh, đối chiếu hóa đơn chứng từ của lô hàng này để xử lý theo quy định.
Lực bất tòng tâm
Đại úy Nguyễn Hữu Thắng, Trạm phó Trạm liên ngành Dốc Quýt (Lạng Sơn) cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới Lạng Sơn dịp Tết Tân Mão diễn biến hết sức phức tạp. Bọn buôn lậu dùng những thủ đoạn tinh vi, lợi dụng đời sống cư dân biên giới khó khăn, địa hình hiểm trở với nhiều đường mòn, hai bên cánh gà cửa khẩu và chính sách ưu đãi của Nhà nước... để bằng mọi cách đưa được hàng hóa vào Việt Nam. Phương thức hoạt động chủ yếu vào ban đêm, cao điểm từ 1h đến 3h sáng, với hình thức xé lẻ hàng hóa cho "cửu vạn" mang vác qua biên giới, sau đó tập kết bằng xe máy chờ sẵn để vận chuyển vào các chợ và nhà dân.
Ngay từ cửa ngõ thành phố Lạng Sơn, trên những ngọn núi cao, nhiều "trạm gác" đã được thiết lập 24/24h. Chỉ cần có bất cứ chiếc xe lạ nào ra vào, hay nhất cử nhất động của lực lượng chức năng là đã được thông báo trên toàn tuyến.
Đội "chim lợn" này có mặt ở khắp nơi, ẩn trong đủ vai, từ dân lái xe ôm, taxi đến cả chủ khách sạn, quán ăn...
Để hoạt động chống buôn lậu phát huy hiệu quả, CA tỉnh Lạng Sơn đã có sáng kiến cùng với lực lượng chống buôn lậu tổ chức cả việc phát tờ rơi vận động khách du lịch, người dân không tham gia vận chuyển hàng cấm, hàng lậu. Đại úy Nguyễn Hữu Thắng khẳng định: "Cách làm mới này của lực lượng chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn bước đầu đã có hiệu quả, làm giảm hẳn hành vi lợi dụng xe chở khách du lịch vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc".
Khi chúng tôi tới Chi cục Hải quan Cốc Nam, ngay sát biên giới Việt - Trung, đúng vào lúc chi cục trưởng "bận" mà lại không ủy nhiệm cho chi cục phó tiếp khách, vì thế ông "phó" này, từ chối thẳng thừng không cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình chống buôn lậu.
Khác hẳn với thái độ bất hợp tác của cán bộ Chi cục Hải quan Cốc Nam, trên đường đi thực địa, chúng tôi tình cờ gặp ông Hoàng Quốc Thượng, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh đang "vi hành" tìm hiểu việc buôn bán hàng lậu tại chính khu vực chợ đầu mối Tân Thanh. Dù đang là ngày nghỉ, nhưng khi nhận ra các nhà báo đi thâm nhập thực tế, ông Thượng rất vồn vã, nhiệt tình cung cấp thông tin.
Gần đến Tết Nguyên đán, hàng lậu ở khu vực Đồng Đăng "nóng" lên từng ngày. Các "cửu" xe đạp tập trung thành từng tốp 10-20 người, vận chuyển hàng trực tiếp từ sau đường mòn đến tận TP Lạng Sơn, khiến lực lượng chức năng rất khó xử lý do hàng nhỏ lẻ. Loại xe mô tô phân khối lớn hợp thành từng tốp từ 3 đến 5 xe, mỗi tốp có một "chim lợn" được trang bị bộ đàm đi trước để "tăm, tia" lực lượng chống buôn lậu. Ngoài ra, loại xe "con cóc" ở Lạng Sơn cũng rất hùng hậu với hàng nghìn lượt xe/ngày sử dụng để vận chuyển hàng. Khi các lực lượng chức năng phối hợp ra quân khống chế QL1A mới đoạn Đồng Đăng - Lạng Sơn thì các tốp xe máy, xe "cóc" lại chuyển hướng đi theo QL1A cũ hoặc đường vòng Đồng Đăng - Song Giáp - TP Lạng Sơn.
Đại úy Thắng tâm sự: "Dù đã làm hết mọi cách, nhưng với lực lượng mỏng trải dài trên 253km đường biên, chúng tôi khó kiểm soát nổi những trường hợp vận chuyển nhỏ lẻ".
(xem tiếp kỳ sau)