Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ - lộ trình cụ thể

Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 28/12/2010

(HNM) - "Xóa" lò gạch thủ công, tiến tới thay thế gạch sét nung bằng vật liệu không nung và gạch tuynen thân thiện với môi trường, an toàn cho người sản xuất là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc "xóa" lò gạch thủ công đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn lao động sẽ mất việc làm; đồng thời sẽ gây thiếu hụt nghiêm trọng vật liệu trước nhu cầu xây dựng ngày một lớn của nhân dân. Vậy, đâu là lời giải cho bài toán "hậu" giải tỏa lò gạch?

(Tiếp theo số báo ra ngày 27-12-2010 và hết)
(HNM) - "Xóa" lò gạch thủ công, tiến tới thay thế gạch sét nung bằng vật liệu không nung và gạch tuynen thân thiện với môi trường, an toàn cho người sản xuất là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc "xóa" lò gạch thủ công đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn lao động sẽ mất việc làm; đồng thời sẽ gây thiếu hụt nghiêm trọng vật liệu trước nhu cầu xây dựng ngày một lớn của nhân dân. Vậy, đâu là lời giải cho bài toán "hậu" giải tỏa lò gạch?

Lao động đi đâu?

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ Hoàng Duy Kiên cho biết, thực hiện Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị, văn bản của UBND TP Hà Nội, ngay từ đầu năm 2010, huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra tình hình sản xuất gạch, ngói bằng đất sét nung lò thủ công trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 206 lò, trong đó chỉ có 1 lò gạch tuynen, còn lại là thủ công với công suất 133,660 triệu viên/năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng của nhân dân địa bàn mà còn cung cấp cho nhiều địa phương khác. Số lao động làm việc thường xuyên trong lĩnh vực này chiếm gần 1.400 người, với mức lương 1,5-1,7 triệu đồng/người/tháng và hàng nghìn lao động thời vụ. Với sản lượng cao, số lao động làm nghề đông như vậy, nếu "xóa" ngay lò gạch thủ công sẽ dẫn đến hàng nghìn lao động mất việc làm, thiếu hụt vật liệu trầm trọng. Vì vậy, để có thời gian cho người lao động làm việc tại các lò gạch chuyển nghề và giảm sự thiếu hụt vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn, đồng thời kêu gọi đầu tư, huyện Phúc Thọ đề nghị TP Hà Nội gia hạn hoạt động đối với các lò có ống khói cao, nguyên liệu còn nhiều thời gian đến hết năm 2011.

Nhiều lò gạch thủ công ở xã Khai Thái (Phú Xuyên) vẫn đỏ lửa.

Tại huyện Phú Xuyên, hiện còn 70 vỏ lò gạch thủ công đang hoạt động, tập trung ở các xã Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng... với công suất từ 25-30 vạn viên/lò. Ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, trung bình mỗi lò gạch sử dụng 25-30 lao động, trong đó, 80% là lao động địa phương. Bởi vậy, nếu "xóa" 100% lò gạch thủ công ngay đồng nghĩa với việc số lao động này không có việc làm, đến nay huyện cũng chưa có hướng chuyển đổi nghề cho số lao động này.

Còn trên địa bàn huyện Thạch Thất, Trưởng phòng Quản lý đô thị Phí Đình Phùng cho biết, với trên 120 lò gạch, ngói đang hoạt động, đến nay, UBND huyện cũng mới lên phương án giải tỏa, còn chuyển đổi sản xuất sau đó vẫn chưa được tính đến. Theo ông Phùng, xét về lý, việc "xóa" lò gạch thủ công trong năm 2010 không phải quá khó vì đa số các lò gạch thủ công trên địa bàn đều đã hết hợp đồng khai thác đất hoặc hợp đồng hạ độ cao ruộng; tuy nhiên xét về tình thì việc "xóa" lò gạch thủ công lại không đơn giản chút nào. Theo ông Phùng, điều khiến chính quyền các cấp băn khoăn nhất là làm thế nào để giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh "hậu" giải tỏa như, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động dôi dư, vấn đề thiếu hụt VLXD trên địa bàn; quy hoạch phát triển ngành công nghiệp VLXD... Theo ông Phùng, để giải bài toán việc làm cho lao động sau giải tỏa lò gạch không dễ. Thực tế, gần 100% lao động làm gạch là lao động phổ thông, không có tay nghề gì; mặt khác đa số lao động là nữ, nhiều tuổi, trình độ văn hóa hạn chế… do vậy việc chuyển đổi nghề cho lực lượng lao động này rất khó.

"Xóa" lò thủ công liệu có phải nhập gạch?

Đây là câu hỏi chưa thể có câu trả lời trong nay mai. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, tổng công suất của các lò gạch thủ công trên địa bàn TP xấp xỉ 2 tỷ viên/năm. Trong khi đó, gạch không nung mới có 125 triệu viên/năm, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho nhu cầu VLXD. Vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, song theo ông Hà Ngọc Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, các địa phương đều chưa có các nhà máy sản xuất loại vật liệu này với quy mô, công suất đủ lớn để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP. Ngay đến gạch tuynen, đã tròn chục năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 115 "xóa" lò gạch thủ công, việc phát triển cơ sở sản xuất gạch tuynen gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do quỹ đất thiếu, vốn đầu tư khá lớn, nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất gạch, ngói nung ngày càng cạn kiệt, người dân chưa mặn mà với loại gạch này. Đến thời điểm này, hầu hết các nhà máy gạch tuynen đều không còn nguồn nguyên liệu tại chỗ, hầu hết phải mua từ nơi khác về sản xuất.

Huyện Thạch Thất hiện có 2 nhà máy sản xuất gạch tuynen, song do người dân trên địa bàn chưa chấp nhận loại gạch này, giá lại cao, cộng với nguồn nguyên liệu cạn kiệt nên 2 nhà máy hoạt động cầm chừng. Đối với loại gạch không nung, 100% công trình xây dựng lớn, nhỏ trên địa bàn đều chưa sử dụng. Đã 10 năm nay Chính phủ có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư loại gạch không nung, nhưng cũng chưa có đơn vị nào đến đặt vấn đề đầu tư với huyện. Tương tự, trên địa bàn huyện Phú Xuyên, theo ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, gạch không nung hay gạch tuynen chỉ được sử dụng rất ít trong xây dựng, còn lại vẫn sử dụng gạch nung truyền thống.

Rõ ràng, việc "xóa" lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay là chủ trương đúng, nhất là trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ và phải có lộ trình cụ thể. Nếu "xóa" hết lò gạch thủ công ngay thời điểm này thì rất khó thực hiện, bởi hàng chục nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực này chưa biết đi đâu, về đâu để kiếm việc làm. Mặt khác, câu hỏi: nguồn gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn sẽ được thay thế bằng vật liệu gì khi không còn gạch nung thủ công vẫn chưa có câu trả lời. Theo ông Hồng, nếu Hà Nội "xóa" 100% lò gạch thủ công đúng thời hạn 31-12-2010 thì chắc chắn, sẽ phải nhập gạch, ngói từ các tỉnh lân cận để thay thế. Và việc này chắc chắn sẽ đẩy giá vật liệu xây dựng lên cao.

Bài và ảnh: Thu Hằng