Bài 2: Thâm nhập “hang ổ” hàng lậu

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:52, 28/12/2010

(HNM) - Khác với cách vào các điểm tập kết hàng lậu ở Pò Chài, Lạng Sơn như các đồng nghiệp khác thường nhập vai cửu vạn, xe ôm... nhóm PV Báo Hànộimới đóng "củ", kính trắng, khoác ba lô trong vai khách du lịch và những "ông chủ" tìm mối hàng để thâm nhập vào khu vực tập kết hàng hóa và ăn chơi khét tiếng bên kia biên giới.

Hàng lậu - dễ mua, dễ bán, dễ… vận chuyển

Đường sang Pò Chài có hai cách. Nếu muốn đi đường tiểu ngạch trèo núi, lội suối theo hướng hang Dơi thì phải có người đưa đường. Nhưng không phải cứ muốn là được dắt đi, mà phải có "bảo lãnh" từ những ông chủ hàng và các thế lực giấu mặt. Hành trang qua Pò Chài được khuyến cáo, nếu muốn tránh rắc rối thì phải để lại hết giấy tờ, chỉ mang theo chứng minh thư nhân dân trong người. Con đường thứ hai là đàng hoàng làm giấy thông hành từ TP Lạng Sơn. Còn nếu không muốn mất thời gian thì cứ lên cửa khẩu Tân Thanh mất tiền cho "cò" là trong vòng ăn chưa xong bữa cơm đã có thể đàng hoàng du lịch nước ngoài, thăm Khu công nghiệp Pò Chài nước bạn.

Dân “cửu vạn” vận chuyển hàng qua cửa khẩu Tân Thanh.

Tiếng là trung tâm thương mại nhưng chợ Pò Chài chỉ có 6 dãy nhà. Hai khu 3 tầng được xây mới dành để kinh doanh nhà nghỉ, văn phòng đại diện. Bốn dãy còn lại, thương nhân thuê làm nơi vừa tập kết hàng vừa hoạt động mại dâm, đánh bạc và buôn bán dụng cụ kích dục. Nom đơn sơ thế, nhưng khi trực tiếp giao dịch nếu có bảo lãnh và đủ độ tin cậy, các chủ hàng ở đây sẵn lòng gom đủ các loại hàng như pháo, tiền giả, điện thoại di động, quần áo, rượu, thuốc lá, thậm chí cả gà thịt và đồ chơi cảm giác mạnh... với số lượng tùy ý. Linh hoạt hơn, nếu được trả công (theo giá chợ, từng thời điểm), họ có sẵn các đường dây vận chuyển hàng qua biên giới, tới những điểm tập kết đã định.

Một người Trung Quốc tên Triệu Phúc được dắt đến, hứa sẽ đưa chúng tôi đến tận Bằng Tường nếu có nhu cầu. Ông này vừa gặp đã bập bõm khoe luôn mấy câu tiếng Việt: "Đã đổi tệ chưa, ở đây người ta không mua "pán" bằng tiền Việt hề". Rồi Phúc dẫn tôi ra góc chợ, gặp Loan "ngoại tệ" làm nốt thủ tục cần thiết vào những lò chứa hàng lậu. Không rào đón, Loan đưa ra một xấp tiền giả gồm các mệnh giá 500 nghìn đến 50, 20 nghìn gạ đổi: "Mua về Việt Nam tiêu không, cực rẻ một trăm tiền giả đổi sáu chục tiền thật?". Thấy chúng tôi chần chừ, Loan cất vội tiền vào túi quay lơ như chưa hề có cuộc nói chuyện vừa qua.

Chúng tôi đang lơ ngơ, bỗng có nhiều người từ đâu bu tới hỏi dò: "Anh là chủ hàng à, cần bốc vác không?". Trong số đó có một phụ nữ nom khắc khổ, tuổi quãng hơn 50, ghé tai tôi nói nhỏ: "Cứ trả công xứng đáng, một mình tôi có thể cõng 2 cục điều hòa nặng gần trăm cân vượt núi". Sợ khách không yên tâm, bà kéo tay chúng tôi đi về phía kho tập kết hàng hoa quả ở cuối chợ khẳng định: Tôi tên Thịnh, quê ở Bắc Giang, sang Trung Quốc được 3 năm nay rồi, ở quê sống độc thân, có người rủ sang bên này làm nghề rửa bát, đành thử theo. Tưởng chủ nhà trả lương, ai dè người ta chỉ nuôi ăn. Làm một năm không công để "trả ơn" cho người dẫn mối, tôi mới được đi làm tự do, chẳng có việc đành đi bốc vác... Sau một hồi săn đón, biết chúng tôi không có nhu cầu gom và chuyển hàng, bà Thịnh cười khúc khích: Thanh niên các anh tìm thứ khác chứ gì, ở đây ngoài hàng lậu, còn sẵn gái và cờ bạc...

Thấy một người trong đoàn chúng tôi rút điện thoại di động ra định chụp cảnh các cô gái đang chèo kéo khách, nhanh như cắt Triệu Phúc kéo tuột cả đoàn vào một cửa hàng trưng tấm biển "bán buôn đồ dùng tình dục" phía đối diện. Sang tới nơi, anh ta mới hổn hển nói: "Gái bán hoa ở Pò Chài phần lớn là người Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc. Vì thế, bọn má mì ở đây "dị ứng" với máy ảnh. Họ sợ liên lụy nếu hình các cô gái bị đem về nước...". Trái với vẻ hốt hoảng của Triệu Phúc, chủ cửa hàng "bán buôn đồ dùng tình dục" chẳng phải dò xét chúng tôi nhiều, toét miệng ra khoe đủ thứ "hàng khủng" từ thuốc bột, thuốc viên, cho đến công cụ hỗ trợ chuyện ấy... và cho chúng tôi tha hồ chụp ảnh làm mẫu.

Cuộc chiến ngày càng gian khó, nguy hiểm

A Phong (SN 1985) một người bạn mới quen quê ở Triều Châu đón chúng tôi từ cửa khẩu bằng xe ô tô Honda Civic mới coóng. Đường thông thương từ Móng Cái sang Đông Hưng khá thuận lợi. Nhiều người Việt sang buôn bán trong ngày là chuyện bình thường. Thương nhân sang đất bạn tìm mối giao dịch làm ăn cũng lắm, người lao động sang bên này làm trăm thứ nghề cũng nhiều. Chị Lan quê ở Cẩm Phả, một người bán hàng tạp hóa cho biết: "Ở Móng Cái bán một đôi tất lẻ được 5.000 đồng nhưng bước chân sang bên này chỉ cần bán 5 tệ cho khách du lịch thế là cũng lãi được gấp 3". Vì có được lợi nhuận này nên ở Đông Hưng có rất nhiều người làm thuê người Việt đi lại hằng ngày. Khi đi và về họ còn tranh thủ xách đồ thuê cũng kiếm khá tiền đủ mưu sinh trong vài ngày.

Càng về đêm những khu phố Đông Hưng sáng đèn rực rỡ. Sàn nhảy, quán bar tấp nập, ở đây có thể thoải mái giao tiếp bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Hoa. Không đơn thuần là chốn ăn chơi, từ nơi đây những bản "hợp đồng ma" vận chuyển hàng lậu về đã được thiết lập. Như A Phong, ngay trong đêm ấy đã tiếp vài bạn hàng người Việt sang vừa chung vui và vừa bàn công chuyện. Bên bàn tiệc được đặt sẵn với rượu ngoại trị giá gần 20 triệu đồng, trong một bar khá lớn ở Đông Hưng, A Phong và các bạn buôn đã "bắt tay" hứa hẹn những hợp đồng làm ăn trị giá hàng trăm triệu đồng. Theo đó, A Phong sẽ chịu trách nhiệm đi đánh lô hàng điện thoại với các mẫu mã đang "hot" về các thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Thời gian gần đây, do cạnh tranh địa bàn làm ăn khốc liệt, dân buôn đường biên đã tìm mọi cách triệt hạ đối thủ. Điển hình như việc các chủ hàng thường cho tay chân đi nắm thông tin về hành trình đi hàng của đối thủ và báo cho lực lượng chức năng. Gần đây nhất là việc đã có nhiều trường hợp dân "đánh" thuốc lá từ Đông Hưng về bị truy đuổi và tàu buôn cao tốc thửa 8 máy (công suất lớn hơn tàu tuần tra của các lực lượng chống buôn lậu) của bọn chuyên chạy thuốc lá bị tai nạn, vỡ tan trên biển, hàng trăm thùng thuốc lá theo sóng dạt vào bờ khiến khách du lịch và người dân Móng Cái nhiều lần tự nhiên vớ bẫm.

Càng gần Tết Tân Mão, hoạt động buôn lậu vùng biên càng trở nên nóng bỏng. Mặc dù Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Trung ương (Ban 127 TƯ) đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức tốt công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ theo chức năng và địa bàn được phân công trên tất cả các tuyến và thị trường nội địa, chủ động đối phó với những hiện tượng bất thường. Đối với các tỉnh biên giới phía Bắc, tập trung kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm việc vận chuyển các mặt hàng cấm. Tuy nhiên, trong thực tế đấu tranh với tội phạm buôn lậu, theo các lực lượng trực tiếp chiến đấu ngày đêm, nhiệm vụ trinh sát, triệt xóa những điểm tập kết hàng nhập lậu ngày càng trở nên khó khăn, nhưng việc xử lý số hàng đang được vận chuyển qua biên giới còn khó hơn. Những cửu vạn được thuê chuyển hàng chủ yếu là người dân sống ở khu vực giáp biên giới. Để được chuyển hàng thuê, họ lại phải đóng một khoản tiền cược vài triệu đồng cho đầu nậu. Trong trường hợp hàng về điểm tập kết an toàn, cửu vạn sẽ được nhận công, nếu bị bắt giữ, đầu nậu lấy mất trắng tiền đặt cọc. Chính bởi lý do này, mỗi lần vận chuyển hàng, họ đều “sinh tử” với chuyến hàng đó, nhiều lần khi bị bắt giữ, các cửu vạn gọi điện cho nhau kéo đến để quây lực lượng chức năng, tìm cách cướp, tẩu tán hàng. Cuộc chiến chống hàng lậu vì thế ngày càng gian nan, nguy hiểm hơn. 

Xem tiếp kỳ sau

Triệu Dương - Tống Thanh