Bán đảo Triều Tiên: Khoảng lặng trước bão?
Thế giới - Ngày đăng : 06:47, 28/12/2010
Ngược lại, thông báo mới nhất của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc về kế hoạch tập trận bắn đạn thật tại 23 điểm ở ngoài khơi bờ biển quanh bán đảo Triều Tiên từ ngày 27 đến 31-12 một lần nữa lại làm dấy lên những lo ngại mới trên bán đảo Triều Tiên.
Quân đội Hàn Quốc vừa tập trận bắn đạn thật lớn nhất trong năm tại ngoại ô thành phố Pocheon. Ảnh: Reuters |
Diễn ra chưa đầy một tuần sau khi kết thúc cuộc tập trận bắn đạn thật hiệp đồng binh chủng lục quân và không quân lớn nhất của Hàn Quốc trong năm nay tại thành phố Pocheon, cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật từ hôm qua (27-12) là một phần của cuộc tập trận thường kỳ, với sự tham gia của lục quân, không quân và cơ quan phát triển quốc phòng. Tuy nhiên, các cuộc tập trận không diễn ra tại khu vực gần biên giới trên biển Hoàng Hải đang gây ra tranh cãi với CHDCND Triều Tiên sau cuộc đấu pháo hôm 23-11 vừa qua.
Phản ứng đầu tiên của Triều Tiên về cuộc tập trận mới này có lẽ là bình luận mới nhất trên tờ "Rodong Sinmun" - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - (số ra ngày 27-12) với cảnh báo, sự kiềm chế của Bình Nhưỡng trước các hành động quân sự của Seoul là "có giới hạn"; đồng thời cho hay sẽ "trừng phạt" nếu Hàn Quốc còn tiếp tục khiêu khích. Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak phát biểu trên sóng phát thanh đã kêu gọi cả nước đoàn kết trước nguy cơ Triều Tiên tấn công khi cảnh báo rằng, Bình Nhưỡng có thể sẽ tấn công một lần nữa.
Mặc dù tỏ thái độ khá cứng rắn với Bình Nhưỡng qua một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật vừa qua, song thực tế cho thấy Seoul cũng không muốn làm tình hình căng thẳng thêm, bởi xung đột bùng nổ sẽ không có lợi cho cả đôi bên. Đây là một trong những lý do khiến Hàn Quốc không coi Triều Tiên là "kẻ thù chính" trong Sách trắng quốc phòng của nước này dự kiến công bố vào đầu năm tới. Giới phân tích cho rằng, Hàn Quốc liên tiếp tập trận là nhằm khẳng định tiềm lực quân sự vượt trội; muốn phát đi thông điệp rằng, Trung Quốc cần có vai trò hơn nữa với Triều Tiên trước khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào dự kiến thăm Mỹ vào ngày 19-1-2011.
Giữa lúc bán đảo Triều Tiên không ngừng bị đốt nóng, việc Seoul cuối tuần qua thông báo quyết định thành lập một ủy ban chính phủ do Thủ tướng Kim Hwang-sik đứng đầu để điều tra về các vụ bắt cóc người Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đang là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc khẩu chiến mới giữa hai miền. Với Bình Nhưỡng, đây là hành động "khiêu khích chính trị" nhằm vào Triều Tiên. Tuyên bố mới nhất của Hội đồng Hòa giải dân tộc (NRC) Triều Tiên nêu rõ, những người mà Hàn Quốc cho là bị bắt cóc đã tự nguyện tìm đến với CHDCND Triều Tiên.
Thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi căng thẳng quá mức kiềm chế giữa hai miền Triều Tiên đã không bùng nổ sau cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất của Hàn Quốc tuần qua. Nhưng các nhà phân tích chính trị và quân sự cho rằng, có thể Bình Nhưỡng đang lựa chọn một đối sách nào đó và lúc này đây có thể chỉ là khoảng lặng trước mắt bão.
Bán đảo Triều Tiên luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ khó đoán định. Vì thế mà năm qua, khu vực này đã trở thành "điểm nóng" của thế giới, đặc biệt vào những ngày cuối năm. Do đó, việc sớm nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như thái độ hợp tác và kiềm chế của các bên liên quan vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất với tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.