Nước Mỹ với nỗi lo mới

Thế giới - Ngày đăng : 07:26, 27/12/2010

(HNM) - Đó là hơn 100 thành phố ở Mỹ sẽ tuyên bố vỡ nợ vào năm tới theo dự đoán mới đây của nhà phân tích nổi tiếng phố Wall, Meredith Whitney. Cuộc khủng hoảng kinh tế mấy năm qua đã "bào mòn" thực lực của nước Mỹ, do đó dự đoán này khiến không ít người dân Mỹ thấp thỏm lo âu.

Theo M. Whitney chính quyền các bang và các thành phố lớn ở Mỹ cho đến nay vẫn tồn tại nhờ tiền hỗ trợ từ liên bang và tổng nợ của các bang lên tới 2 nghìn tỷ USD. Cơn bão khủng hoảng nợ từng khiến hàng loạt ngân hàng phải đóng cửa và uy hiếp nền tài chính các quốc gia, không lâu nữa sẽ quét qua và làm chao đảo chính quyền địa phương ở quốc gia giàu nhất thế giới này. Trong bài phỏng vấn mới nhất với CBS, M. Whitney cho rằng các vấn đề trên có khả năng ảnh hưởng lớn: "Tôi nghĩ ngoài những vấn đề trên thị trường nhà đất, đây là vấn đề quan trọng trên nước Mỹ và mang đến rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Mỹ".

Được biết, mức chi tiêu của các bang ở Mỹ hiện đã vượt tổng ngân sách từ thu thuế đến 500 tỷ USD, quỹ hưu trí sắp phải đối mặt với khoản thiếu hụt 1.000 tỷ USD, nhiều chính quyền địa phương đang phải gồng mình gánh nợ và ra sức cắt giảm chi tiêu.

Điển hình như thủ phủ Detroit của bang Michigan từng là nơi khởi đầu của thời đại ô tô và là "ngôi nhà" của 3 hãng sản xuất xe hơi lớn General Motors, Ford, Chrysler. Tuy nhiên, thời đại hoàng kim ấy dường như đã qua lâu. Dân số của Detroit hiện nay chưa tới một triệu người, chỉ bằng một nửa hồi những năm 1950. Không có tiền trả nợ ngân hàng, nhiều người ở đây đã "bỏ của chạy lấy người". Từ lực lượng cảnh sát, đến hệ thống chiếu sáng, bảo dưỡng và vệ sinh đường phố… tất cả đều tinh giản biên chế, cắt giảm chi tiêu. Chính sách này đã ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của hơn 20% cư dân sinh sống tại Detroit. Có đến 1/3 người dân Detroit chịu cảnh thất nghiệp. Giá bất động sản giảm đến 80% trong vòng ba năm trở lại đây. Chính quyền bang Illinois cũng cùng chung cảnh ngộ "thắt lưng buộc bụng". Hiện mức chi tiêu của bang này đã gấp đôi ngân sách từ thuế, và đã kéo dài kỳ hạn trả nợ thêm 6 tháng, riêng khoản nợ của Trường Đại học Illinois đã là 400 tỷ USD. Khả năng không thể thanh toán nợ nần của Illinois lên đến 21%, cao hơn tất cả các bang khác. Florida cũng không nằm ngoài danh sách các bang vỡ nợ. Các biện pháp bù đắp thâm hụt ngân sách mà các bang của Mỹ sử dụng hiện nay, ngoài cắt giảm chi tiêu và tăng thu thuế, còn có tăng học phí (Đại học California tăng 32% học phí), rao bán một số tòa nhà thuộc sở hữu nhà nước, sau đó thuê lại (bang Arizona).

Không thể phủ nhận, vấn đề nợ công và việc bội chi của nhiều bang và thành phố Mỹ đang là bài toán hóc búa cho chính quyền Obama; đồng thời dự báo nhiều hơn về một chương trình giải cứu mới với quy mô lớn hơn tất cả các chương trình giải cứu từng được đưa ra trong thời gian qua ở Mỹ.

Kim Phượng