Tiện nhưng chưa lợi
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:19, 27/12/2010
Câu chuyện mì ăn liền
Thực phẩm ăn nhanh liệu có tốt cho sức khỏe?
Việt Nam được xem là một trong những nước tiêu thụ mì ăn liền (MĂL) nhiều nhất châu Á. Đến nay, nước ta có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất MĂL, với sản lượng khoảng 5 tỷ gói/năm và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 15-20%. Mặt tốt của MĂL là rẻ, tiện dụng, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian nên nó trở thành thức ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, rất nhiều loại MĂL đang bán trên thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố độc hại cho người dùng.
Theo PGS-TS Phan Thị Sửu (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam), thành phần của MĂL chứa rất nhiều chất béo bão hòa - CBBH (shorterning), chất bột và ít chất xơ. Đáng chú ý là loại thực phẩm này có thành phần chất béo chiếm từ 15-20% và chủ yếu là dạng CBBH. Chất béo này là loại dầu dạng cứng thường được tách ra từ dầu cọ bằng phương pháp phân đoạn, không sinh ra axit béo dạng trans. Chất béo dạng trans có thể tạo ra nếu sản xuất CBBH theo phương pháp hydrogen hóa và có tính chất ít bị ôi, khét khi mì được tồn trữ lâu ngày. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chất béo trans (trans fat) làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, đặc biệt là nguy cơ đột quỵ.
Đáng lưu ý là trong quá trình sản xuất, không ít loại MĂL được chiên trong dầu CBBH ở nhiệt độ cao nên dễ bị oxy hóa và nếu dầu dùng để chiên được tái sử dụng nhiều lần sẽ có khả năng tạo ra các chất béo dạng trans nhiều hơn. Giá trị dinh dưỡng của MĂL là không cân bằng vì thiếu đạm động vật và vitamin từ rau quả tươi. Ngoài ra, gói gia vị của MĂL chứa rất nhiều chất phụ gia. Tuy chúng có tác dụng tạo sự ngon miệng cho người ăn nhưng sẽ rất nóng. Người huyết áp cao hoặc thân nhiệt cao nên dùng ít loại mì có gia vị cay.
PGS-TS Phan Thị Sửu cho biết thêm, trans fat ở thể rắn có thể dùng như bơ còn có mặt trong các loại đồ ăn nhanh khá thông dụng hiện nay là khoai tây chiên, đậu phộng da cá... Trên thế giới, các nhà sản xuất phải cam kết không dùng dầu chiên chứa trans fat và ghi rõ sản phẩm không chứa chất béo độc hại trên bao bì nhưng ở Việt Nam lại chưa có quy định tương tự.
Không nên lạm dụng
Gần đây, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (Sở KHCN TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện trans fat có trong 38% mẫu mì gói đang tiêu thụ trên thị trường. Rõ ràng, những thông tin nêu trên là cảnh báo đáng lưu tâm đối với người "nghiện" MĂL nói riêng và các loại TPĂN nói chung.
Không ai phủ nhận sự tiện dụng của các loại TPĂN hiện nay, thậm chí nhiều bạn trẻ cho đây là biểu hiện của lối sống hiện đại. Điều đó chỉ đúng một phần vì TPĂN cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ, đặc biệt là tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng và có thể có một số chất độc hại sinh ra trong quá trình chế biến ảnh hưởng tới sức khỏe. TPĂN chứa nhiều calori và cholesterol nên khả năng gây béo phì cho những ai có xu hướng "lạm dụng" chúng là rất cao. Các nghiên cứu y tế cho thấy việc dùng TPĂN và nước ngọt có gas, soda... thường xuyên sẽ không tốt cho chức năng gan. Ngoài ra, lạm dụng TPĂN khiến con người trì trệ hơn. Trong khi đó, các chuyên gia tại Viện Dinh dưỡng (Học viện Khoa học Nga) cho rằng, thường xuyên sử dụng các sản phẩm ăn nhanh sẽ hại đến gan, tuyến tụy và gây chứng viêm dạ dày.
Nhiều nhà khoa học cho biết, mặt trái khác của TPĂN là cung cấp nhiều chất béo và cholesterol. Không ít món khoái khẩu như: các loại bánh được làm từ bột mì trắng, khoai tây rán, các loại nước ngọt có gas... còn có chỉ số đường huyết cao. Khi dùng loại đồ ăn này sẽ làm lượng đường trong máu tăng nhanh, khiến tuyến tụy phải tiết nhiều insulin để giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng, do chúng phải hoạt động quá tải dễ dẫn đến suy giảm chức năng và dẫn đến tiểu đường type 2. Bệnh này trước đây chỉ gặp ở người lớn nhưng nay đã gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em béo phì. Mặt khác, các nhà khoa học lưu ý rằng, trong thịt xông khói, lạp xường, thịt nguội, hot dog, gà rán... có chứa hàm lượng muối và chất bảo quản cao. Nếu sử dụng nhiều sẽ có hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp động mạch.
GS-TSKH Lê Doãn Diên (Chủ tịch Hội KHCN lương thực, thực phẩm Việt Nam) cho biết, nguy hại hơn cả vẫn là tình trạng lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm vốn là nguyên liệu chế biến của các loại TPĂN hiện nay. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tồn dư quá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, các loại phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản ở trong các loại nông sản, lương thực, thực phẩm. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sử dụng tùy tiện các loại phân bón hóa học, hóa chất, thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm... trước và sau thu hoạch. Mặc dù Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế đã ban hành khá đầy đủ và chi tiết các quy trình kỹ thuật, điều lệ hướng dẫn sử dụng hóa chất, phân bón, phụ gia thực phẩm... nhưng đều không được tuân thủ nghiêm túc. Điều này đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với hậu quả rất thương tâm xảy ra ở các địa phương trong những năm qua do ăn phải các loại đồ ăn chứa hóa chất độc hại đã phần nào nói lên thực trạng đó.
Xã hội phát triển, xu hướng "bệnh vào từ miệng" có nguy cơ gia tăng, trong đó TPĂN là một trong số các thủ phạm. Ngoài việc không lạm dụng, để kiểm soát được các loại TPĂN thì việc cần làm đối với các gia đình là nên mua hàng của những nhà sản xuất đã áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP/ISO 22.000.