Còn nhiều khó khăn
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:11, 27/12/2010
Những thành tích này đã thể hiện trình độ chuyên môn vượt trội của chuyên ngành sản khoa và nhi khoa nước ta (trên thế giới, trẻ nhẹ cân nhất nuôi dưỡng thành công là hơn 0,3kg). Mặc dù vậy, bên cạnh niềm vui thì các con số: 16.000 trẻ sơ sinh và 2.500 bà mẹ tử vong do các biến chứng trong quá trình mang thai mỗi năm cũng vẫn còn là nỗi trăn trở không nhỏ.
Thai phụ cần khám thai định kỳ để sinh con khỏe mạnh. Ảnh: K. Linh |
Thành công từ kỹ thuật và tình người
Lần đầu tiên, một em bé sơ sinh nặng chưa đến 0,5kg là bé Nguyễn Thị Gái (con của sản phụ Nguyễn Thị H, ở Hải Dương) đã được Bệnh viện Phụ sản TƯ nuôi dưỡng thành công. Sau 5 tháng bé đã nặng 4,5kg xuất viện trong tình trạng sức khỏe rất tốt, các chỉ số cơ thể phát triển bình thường. Em bé may mắn thứ hai được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu kịp thời là Hoàng Thị Mận (con của sản phụ Hoàng Thị Nguyệt, ở Nghệ An), nặng 0,7kg. Điều đáng nói là cả hai bé khi sinh ra đều trong tình trạng sức khỏe nguy kịch: Bé Gái phải đối mặt với nguy cơ viêm ruột, xuất huyết não, các bệnh thần kinh, hô hấp. Còn tiên lượng về bé Mận ở thời điểm nhập viện gần như 100% là tử vong do sốc nhiễm khuẩn; suy hô hấp; thiếu máu; bị các rối loạn thăng bằng kiềm toan, điện giải, đông máu, đường huyết. Cấp cứu kịp thời để mang lại sự sống cho các bé đã khó, tiếp tục nuôi dưỡng để cơ thể các bé phát triển bình thường là việc khó vạn lần, nhất là trường hợp bé Mận, mẹ đã mất ngay sau khi sinh.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng khoa Sơ sinh (BV Phụ sản TƯ) cho biết, những năm trước, bệnh viện đã từng nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh nặng 0,6kg, nhưng đây là lần đầu tiên thành công với trẻ 0,5kg. Hiện tại, khoa cũng đang nuôi dưỡng nhiều cặp sinh đôi nặng từ 0,6 đến 0,9kg. Các trường hợp đẻ non dưới 1kg có dị tật hoặc bệnh lý bẩm sinh khoảng 7 - 10 năm trước đây các bác sỹ thường bó tay. Còn theo PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), với trẻ sơ sinh sinh non có trọng lượng dưới 1kg, tỷ lệ được cứu sống ở Việt Nam chỉ từ 10-20%, do việc phối hợp các chuyên khoa sản - nhi ở nhiều địa phương chưa được tốt. Hai bé Gái và Mận là những trường hợp rất may mắn có cơ hội sống khi được cấp cứu kịp thời.
Nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh ở nước ta trong những năm gần đây có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 1 triệu phụ nữ mang thai vẫn có khoảng 2.500 bà mẹ tử vong do các biến chứng trong quá trình mang thai, sinh nở và 16.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm. Nguyên nhân chính gây tử vong cho các bà mẹ là băng huyết, nhiễm trùng máu, sản giật… Còn trẻ sơ sinh tử vong chủ yếu trong ngày đầu mới sinh do bị ngạt, chấn thương trong khi đẻ, đẻ non và mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Đáng lưu ý, theo các bác sỹ sản khoa, những nguyên nhân trên đều có thể phòng tránh được nếu như các sản phụ được chăm sóc thai nghén tốt từ giai đoạn đầu.
Không thể phủ nhận sự chú trọng đầu tư, xây dựng của ngành y tế về cả cơ sở vật chất và con người cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản thời gian qua với hệ thống 11 bệnh viện nhi, 14 bệnh viện phụ sản, 63 trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (có 27 cán bộ/trung tâm), ngoài ra còn có các khoa sản, ngoại sản của 667 bệnh viện huyện và khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Y tế dự phòng huyện. Mặc dù vậy, qua đánh giá thực tế của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến cơ sở (nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa) còn thiếu và chất lượng chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Nhiều nơi, "bà lang", "bà đỡ" làm nhiệm vụ của y tá, bác sỹ trong các trạm y tế nên không an toàn cho sản phụ vì thiếu chuyên môn. Ở nhiều bệnh viện tuyến huyện vẫn chưa có khoa sản nhi và bác sỹ chuyên khoa sơ sinh. Thêm nữa, trang thiết bị phục vụ cấp cứu, chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh cũng thiếu, không đồng bộ. Khi sản phụ bị tai biến, việc vận chuyển bệnh nhân lên các tuyến trên còn rất chậm.