Làng Canh vắng bóng cam Canh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:56, 26/12/2010

(HNM)- Vào thời điểm hiện tại, ở các vùng ngoại thành Hà Nội như Phúc Thọ, Thanh Oai... cam Canh đang chín vàng mọng vườn. Năm nay, được mùa cam Canh, nhiều chủ vườn thu hàng tỷ đồng từ loại đặc sản nức tiếng đất Hà thành này.



Cam Canh là loại quả khi chín có màu đỏ ối, vỏ mỏng tang, quả mọng nước và có vị ngọt đậm. Hằng năm, cứ độ từ trung tuần tháng 11 âm lịch cho đến hết tháng Chạp, cam Canh sẽ chín dần chuyển từ màu xanh sang màu vàng, rồi đỏ ối khắp vườn. Tùy theo độ tuổi, mỗi cây cam có thể cho từ 100 đến 1.000 quả mỗi vụ. Mảnh đất Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội) là quê hương của loại quả đặc sản này. Vân Canh là một xã ven đô, tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất canh tác ngày càng thu hẹp nên diện tích trồng cam Canh ở Vân Canh giờ đây cũng chẳng còn là bao. Có những gia đình trước đây có hàng trăm gốc cam, cho quả lúc lỉu đầy cành vào dịp cuối năm. Nhưng về Vân Canh bây giờ, thật khó có thể tìm được một hộ nông dân còn giữ được vài trăm gốc cam chính hiệu.

Cây cam Canh có chiều cao trung bình chỉ từ 3 đến 6m, lá tròn, màu xanh thẫm, cho quả ngọt lịm trong sắc đỏ đẹp rực rỡ vào thời điểm cuối năm. Nhưng chăm bón thế nào để cây cho quả đều, đẹp, căng tròn, vị ngọt đậm, thanh và chín đúng thời điểm là bí quyết riêng của người trồng. Chỉ trên mảnh đất làng Canh, cây cam mới cho những trái mang mùi hương thơm mát, vị ngọt thanh khiết và sắc vỏ vàng chanh, càng già càng chuyển màu đỏ sẫm như xôi gấc mà không nơi nào có được - ông Nguyễn Văn Cường, một nông dân đã gắn bó với cây cam Canh từ mấy chục năm nay nói vẻ đầy tiếc nuối.

Mấy năm trở lại đây, diện tích trồng cam ở Vân Canh liên tục bị thu hẹp. Quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, quỹ đất trồng cam phải nhường lại cho các dự án lớn. Phần nữa, nghề trồng cam quá vất vả, bấp bênh bởi phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Nhưng lý do lớn nhất vẫn là đất trồng cam nằm trên cái thế "địa lợi" ở gần các trường đại học, nên chỉ cần nhường diện tích trồng cam, xây nhà cho sinh viên thuê là có thể kiếm bội tiền, lại chẳng phải vất vả, một nắng hai sương. Ông Cường kể, trước đây gia đình ông có 1 sào trồng cam Canh, mỗi năm ít cũng được dăm bẩy mươi triệu nhưng từ ngày con cái trưởng thành, ông đành phải chặt bỏ từng gốc cam, chia đất cho các con làm nhà, một phần bán đi để kiến thiết nhà cửa. Tiếc lắm nhưng cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác - ông Cường than thở.

Vân Canh bây giờ còn bao nhiêu vườn cam, ngay cả Chủ tịch UBND xã khi được hỏi phải vò đầu bứt tai mãi mới lờ mờ nhớ rằng, đến thời điểm này toàn xã chẳng có vườn cam nào thực sự cả, chỉ còn lại lác đác vài gốc nhưng chất lượng quả không còn được như xưa. Đất Canh giờ đây chật hẹp, diện tích đất nông nghiệp còn lại thì bị kẹt cứng giữa các khu đô thị mới đang mọc lên, nước ứ đọng quanh năm, chẳng cây trồng nào có thể sinh trưởng được huống chi là cây cam khó tính. Theo quy hoạch chung từ này đến năm 2015, 100% đất nông nghiệp ở Vân Canh sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng. Còn đất vườn trước đây nhiều hộ vẫn trồng cam, nay đều đã được lấp kín, xây nhà.

Giờ đất Vân Canh đã vắng bóng cam Canh nhưng khắp các huyện ngoại thành như Thanh Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ hàng trăm vườn cam Canh đang vào vụ thu hoạch. Trong số đó, rất nhiều vườn cam cho chất lượng quả tốt, vì thế dù làng Canh không còn cam nữa thì người Hà thành vẫn tha hồ lựa chọn loại đặc sản này trên các sạp hoa quả. Người làng Canh không biết nên buồn hay vui?

Sơn Tùng