Nghề đưa "cậu ông trời" lên phố
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:53, 26/12/2010
Chế biến cóc.
"Ruốc cóc thịt tại nhà đây! Ai ruốc cóc nào"… Lần theo những tiếng rao lanh lảnh khắp các ngõ ngách phố phường Hà Nội, chúng tôi tìm về xã Thọ An, nơi được mệnh danh là trung tâm phân phối, chế biến cóc lớn nhất miền Bắc vào một ngày mưa phùn, gió bấc. Vào làng giữa buổi ban ngày mà vẫn vắng vẻ, lặng lẽ. Trưởng Cụm dân cư số 9 anh Đoàn Văn Lý cho hay: Ở đây, bất kể ngày mưa cũng như ngày nắng, thanh niên khỏe khoắn đều rời làng đi bán cóc từ sáng sớm, đến tối mịt mới về. Ở quê, đa số chỉ toàn người già, trẻ con. Bất kể ở Hà Nội hay ở cả các tỉnh khác, chỉ cần quan sát thấy những người chở lồng cóc sau xe với tấm biển "Bán cóc làm ruốc" thì có đến 99% là người Thọ An.
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một hộ bán cóc đang ở nhà, anh Nguyễn Văn Nhung ở cụm 8. Anh Nhung cho biết, mặc dù đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã nhưng hằng ngày, ngoài thời gian công tác ở địa phương, anh vẫn cùng vợ thịt cóc để làm ruốc cho khách và đôi khi anh cũng đi chợ cùng vợ trong những ngày nghỉ. Vợ anh, chị Lê Thị Định mới hơn 40 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn hai chục năm trong nghề bán cóc. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, nhìn còn chưa rõ mặt người, chị Định cùng với các chị em khác trong thôn đã lên đường rong ruổi khắp các ngõ ngách ở Hà Nội để bán cóc.
Với hành trang là chiếc giỏ tre to, dao, thớt, tấm bảng nhỏ ghi "Con cóc vàng", "Bán cóc làm ruốc", bình quân mỗi ngày, những người bán cóc rong đạp xe cả trăm cây số. Mỗi ngày, một người cũng chỉ mang vài cân cóc sống, mang nhiều, bán không kịp cóc gầy đi rất nhanh. Tại phố Cầu Am (Hà Đông), chị Hoàng Thị Vinh, ở cụm 9 (Thọ An) vừa nhanh tay chế biến món ruốc cóc cho khách, vừa cho biết: Trước đây, chị thường làm sẵn ruốc ở nhà mang đi bán, vừa tiện, vừa nhẹ nhàng nhưng người mua khó tính lắm, khách hàng nghi ngờ mình làm không vệ sinh, không đúng thịt cóc, nên bắt phải tận mắt nhìn thấy làm mới tin. Khi được hỏi về bí quyết chế biến ruốc cóc an toàn, chị Vinh cười: Chẳng phải bí quyết gì đâu, cứ làm nhiều là quen tay thôi. Cóc sống đem rửa sạch, mổ bụng vứt hết nội tạng, chặt bỏ đầu và tứ chi, sau đó lột da, chỉ lấy phần thân và hai đùi. Công đoạn này phải làm thật nhanh để chất độc mủ cóc không dính vào phần thịt. Giá cả dao động khoảng 100.000-120.000 đồng một lạng. Mỗi ngày, người đi chợ cóc cũng kiếm được vài ba trăm ngàn. Nhưng cũng có những hôm ế khách, lại gặp thời tiết nắng, mưa, cóc rất dễ chết. Lúc ấy thì vừa mất công, vừa lỗ vốn.
Các cụ cao niên cho biết, nghề bán cóc ở Thọ An ra đời và tồn tại ở đây đã được 30 năm. Ấy là vào những năm 1970, cuộc sống của người dân còn rất khó khăn, nhiều trẻ ăn uống thiếu chất gầy gò, ốm yếu. Theo kinh nghiệm dân gian, người dân bắt cóc đem làm thịt cho các cháu ăn. Một thời gian sau, mấy đứa trẻ từ suy dinh dưỡng, gầy yếu, da dẻ đã trở lại hồng hào, trắng béo. Nhiều người trong làng cũng làm thịt cải thiện bữa ăn hằng ngày. Dần dần, thịt cóc đã trở thành "đặc sản" được người dân mang đi bán tại các phố phường Hà Nội. Cái khó đã ló cái nghề từ đó.
Trước đây, khi cóc tự nhiên còn nhiều, tối tối, vùng bãi ven sông Hồng khu vực Thọ An lại lấp loáng những ánh đèn pin, đèn bão của người dân đi soi bắt cóc. Nhưng không phải nguồn cung cóc sống lúc nào cũng dồi dào. Anh Trần Văn Tăng, ở cụm dân cư số 9, một trong những "đại lý" cung cấp cóc sống lớn nhất xã Thọ An cho biết, nếu như trước đây, cóc trong tự nhiên còn nhiều, nguồn hàng chủ yếu được thu mua lại của những tay chuyên đi "vồ" cóc. Nhưng giờ thì cóc hiếm hẳn. Để có cóc làm hàng, người làm nghề phải đặt hàng từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình… Có người còn nhập từ các tỉnh phía Nam hoặc từ Lào, Camphuchia với giá 90 nghìn đồng/kg cóc sống.
Theo ông Hoàng Quốc Định, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An, hiện nay, cả xã có khoảng trên 100 hộ gia đình làm nghề bán cóc chuyên nghiệp và khoảng 300 hộ làm thời vụ, lúc nông nhàn. Nhờ cái nghề "chẳng giống ai này" mà cuộc sống của người dân xã Thọ An đã được cải thiện. Nhiều người đã xây nhà, mua xe được từ nghề đi chợ rong bán cóc. Một số hộ gia đình như anh Lê Văn Lợi, Lê Hữu Huân, Trần Văn Tăng... còn mở hẳn cửa hàng lớn chuyên phân phối thịt "cậu ông trời".
Theo kết quả nghiên cứu: "Thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng, hàm lượng protid và lipid trong thịt cóc cao (53% protid, 12% là lipid), hàm lượng sắt và kẽm hơn hẳn các loại thịt thông thường (65% sắt và 10% là kẽm). Các acid amin trong cóc là các acid amin quan trọng với hệ thần kinh và dễ hấp thụ. Vì thế, thịt cóc có tác dụng bồi bổ, điều trị chứng còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em". Thế nhưng, cóc cũng chứa chất bufotoxin - là một chất kịch độc có thể gây chết người ngay lập tức. Chất độc này có nhiều ở da, trứng, gan cóc. Nếu dùng dao không sắc để chế biến cóc, chất độc này rất dễ dính vào phần thịt được dùng để ăn.