Thống đốc Ngân hàng giải trình về vấn đề lãi suất
Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 26/12/2010
Bốc xếp hàng xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Phàn/TTXVN) |
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thời gian qua, đặc biệt là vấn đề lãi suất tăng cao và diễn biến không ổn định, ngày 25/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo giải trình về thực trạng và những giải pháp xung quanh vấn đề lãi suất hiện này.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu tiền tệ năm 2010 cơ bản phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo an toàn hệ thống và phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.
Cụ thể, lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông khoảng 75% chỉ tiêu được Thủ tướng phê duyệt. Tổng phương tiện thanh toán tăng 23% (đã loại trừ hư số tăng của tỷ giá và giá vàng). Tiền mặt trong lưu thông tăng khoảng 15%, tỷ trọng tiền mặt lưu thông so với tổng phương tiện thanh toán khoảng 14%. Tín dụng tăng 27,65% (đã loại trừ hư số tăng của tỷ giá vàng), tín dụng bằng Việt Nam đồng tăng 25,34%, bằng ngoại tệ tăng 37,76%.
Đề cập đến một số vấn đề về cơ chế điều hành lãi suất hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết trên thị trường tiền tệ, có ba nhóm lãi suất chủ yếu: một là lãi suất kinh doanh (huy động, cho vay…) của tổ chức tín dụng được hình thành trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường, lạm phát, mức độ rủi ro và sự điều tiết của ngân hàng trung ương; hai là lãi suất vay mượn ngắn hạn lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường nội tệ liên ngân hàng, chịu tác động chủ yếu của cung-cầu vốn khả dụng của tổ chức tín dụng và điều tiết của lãi suất chính sách Ngân hàng Trung ương; ba là lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu…) điều tiết trực tiếp lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng và định hướng lãi suất thị trường, phù hợp với các mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Ông Giàu cho biết theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 về chính sách tiền tệ, công cụ lãi suất và từ thực tiễn nền kinh tế, thị trường tài chính-tiền tệ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất thị trường tiền tệ theo cơ chế là hàng tháng xác định và công bố lãi suất chính sách: Lãi suất cơ bản bằng Việt Nam đồng để định hướng lãi suất thị trường tiền tệ; lãi suất tái cấp vốn, là mức lãi suất “trần” trên thị trường nội tệ liên ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất này phản ánh “nới lỏng” hay “thắt chặt” tiền tệ; lãi suất tái chiết khấu, thấp hơn lãi suất tái cấp vốn 2%/năm; lãi suất nghiệp vụ thị trường mở đóng vai trò chủ đạo để “bơm tiền ra” hoặc”hút tiền về,” tác động đến cung-cầu vốn và lãi suất thị trường; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng Việt Nam đồng đối với tổ chức tín dụng được quy định ở mức thấp.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động Việt Nam đồng có chênh lệch mức dương thấp so với lạm phát, kém hấp dẫn so với lãi suất USD và có nhiều nhân tố gây sức ép tăng: lãi suất thực dương hiện nay khoảng 1,47%/ năm, thấp hơn các năm gần đây (2009 1,91%/năm; 2006 là 2,23%/năm).
Tháng 11 và 12 cung vốn giảm do tốc độ tăng tín dụng lớn hơn huy động vốn, quan hệ giữa lãi suất Việt Nam đồng - tốc độ tăng của tỷ giá - lãi suất USD có chênh lệch âm (-2,38%), khác với các năm gần đây (2005: 3,79%/năm; 2006: 2,87%/năm; 2007 là 4,06%/năm): thanh khoản trên thị trường nội tệ liên ngân hàng không dồi dào, lãi suất vẫn có sức ép tăng; các ngân hàng thương mại có nhu cầu lớn huy động vốn dài hạn nhưng thị trường tiền tệ chưa ổn định, người gửi tiền ít gửi kỳ hạn dài (trên 3 tháng) làm cho các tổ chức tín dụng phải ấn định lãi suất huy động ở mức cao để tăng khả năng huy động vốn.
Về các giải pháp ổn định thị trường tiền tệ năm 2011, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất ngay từ những tháng đầu năm (6 tháng đầu năm dưới 3,5%) để phấn đấu đạt mục tiêu lạm phát cả năm không quá 7% là điều kiện cơ bản để ổn định và giảm dần lãi suất thị trường.
Giải pháp tiếp theo được nhấn mạnh là các tổ chức tín dụng tiếp tục ấn định lãi suất huy động vốn theo mức “trần” 14%/năm và giảm dần theo xu hướng lạm phát, điều hành linh hoạt các mức lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước, hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước, trong đó lãi suất cơ bản là lãi suất cho vay bình quân thực tế bằng Việt Nam đồng của tổ chức tín dụng, do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố hàng tháng, làm cơ sở để thực hiện quản lý nhà nước đối với quan hệ dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, cho vay nặng lãi của Bộ luật Hình sự và các quan hệ kinh tế khác theo quy định của pháp luật; lãi suất kinh doanh (huy động và cho vay) của tổ chức tín dụng được thực hiện theo cơ chế thỏa thuận.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh giải pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, giá vàng biến động phù hợp với giá vàng thế giới và không có biến động đột biến, kiểm soát tỷ giá biến động thấp hơn mức lạm phát kỳ vọng; tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng cung ngoại tệ, giảm cầu ngoại tệ như trong năm 2010, đi đôi với chống đầu cơ và găm giữ ngoại tệ. Cùng với đó là các giải pháp đảm bảo cung-cầu vốn thị trường, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh của từng tổ chức tín dụng…; nâng cao tần suất và chất lượng công tác truyền thông của các cơ quan Chính phủ, nhất là về chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại để tạo tâm lý tốt cho công chúng đồng thuận với các chính sách kinh tế của Nhà nước.
Trao đổi tại cuộc họp, đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng lãi suất của Việt Nam cao hơn các nước trong bối cảnh hiện nay là biểu hiện rất không bình thường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và đề nghị xem xét trách nhiệm sinh ra những ngân hàng yếu kém thuộc về ai và phải xử lý vấn đề này như thế nào. Ông Dung đánh giá việc điều hành vừa qua vừa bị động, vừa đuổi theo thị trường.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nêu điều hành ngân hàng lãi suất phải theo thị trường, phải thực dương, nhưng làm sao điều hành vừa thực dương vừa đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiêp, đây là câu hỏi cần trả lời. Có ý kiến cho rằng việc lãi suất tăng cao có nguyên nhân phối hợp các chính sách liên quan, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa...
Phát biểu cuối phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá những thông tin và ý kiến trao đổi tại cuộc họp là một trong những căn cứ để Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu thấu đáo trong hoạch định chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ tài chính để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, trong đó tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô./.