Lan tỏa khí thế, nhân thêm sức mạnh

Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 26/12/2010

(HNM) - Ngày mai (27-12), Đại hội (ĐH) Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. ĐH sẽ vinh danh hàng nghìn tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực.


Chung sức, đồng lòng

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng đã có bước đổi mới, tiến bộ. Sau khi có Luật Thi đua - Khen thưởng, Chính phủ đã ban hành đồng bộ các nghị định hướng dẫn thi hành. Nhờ đó, việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng dần đi vào nền nếp. Tổ chức bộ máy và cán bộ thi đua đã từng bước được kiện toàn, củng cố. Đến nay, dù còn thiếu về cán bộ, nhưng 63/63 tỉnh, thành phố đã có Ban Thi đua - Khen thưởng (trực thuộc Sở Nội vụ); 35/67 bộ, ban, ngành, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, MTTQ và đoàn thể TƯ có cấp Vụ (ban, phòng) Thi đua - Khen thưởng; hầu hết đơn vị cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh bố trí được một cán bộ chuyên trách. Thực hiện Chỉ thị 39-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến", các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã nghiêm túc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí, hình thức từng bước được đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị.


Các phong trào thi đua lao động giỏi tại các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống của người lao động.  Ảnh: Linh Tâm


Sau khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước thì các phong trào thi đua càng trở nên mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TƯ đã phát động phong trào "Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi". Đặc biệt, từ năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TƯ phát động cả nước thi đua hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phong trào đã trở thành động lực để từng địa phương, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng và thực hiện mục tiêu thi đua cụ thể, thể hiện trách nhiệm, tình cảm với Thủ đô Hà Nội.

Với cách thực hiện thi đua bằng việc cụ thể hóa nội dung trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm nên TP Hà Nội đã triển khai tốt hầu hết các nhiệm vụ; nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước (giai đoạn 2006-2010, bình quân giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng 10,3%/năm; ngành nông nghiệp tăng 1,75%; ngành du lịch tăng 10,15%). Kinh tế của TP đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,4%/năm (cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước). Hà Nội cũng là một trong những địa phương tích cực hướng đến giá trị đích thực của thi đua khi chủ động ban hành các danh hiệu thi đua mang đặc thù riêng như "Công dân Thủ đô ưu tú", "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô", "Cúp Thăng Long", "Nghệ nhân Hà Nội", "Thủ khoa xuất sắc", "Nhà doanh nghiệp giỏi Hà Nội", "Thi viết về gương người tốt, việc tốt", "Sáng kiến sáng tạo Thủ đô"… Cùng với các phong trào truyền thống, nhiều hoạt động mang tính chuyên đề đã được triển khai bài bản, sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực. Đó chính là nền tảng đã vun đắp nên nhiều tấm gương "người tốt, việc tốt", tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của TP.

Điển hình bình dị mà cao quý


Nét mới của ĐH Thi đua yêu nước lần này là trong 1.500 đại biểu ưu tú tham dự ĐH, có tới 1.001 điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực đời sống, xã hội (chiếm 67%). Trong đó có nhiều người lao động trực tiếp, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đại diện cho hàng nghìn điển hình tiên tiến khác đi đầu trong phong trào thi đua giành năng suất cao, chất lượng tốt như Anh hùng Lao động (AHLĐ) Trần Thị Kim Oanh, công nhân đứng máy sợi con thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam; AHLĐ Nguyễn Văn Tía, Quản đốc phân xưởng khai thác than 4, Công ty Than Mạo Khê; AHLĐ Nguyễn Văn Nhi, tổ trưởng đội sản xuất Xí nghiệp Sông Đà 6.02 thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 6… Đặc biệt, những cống hiến của Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn - Binh chủng Công binh thật vô cùng có ý nghĩa với một đất nước đã trải qua chiến tranh. Chứng kiến nhiều cảnh đau thương, mất mát của đồng đội và nhân dân vì hậu quả của bom mìn còn sót lại, Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh cùng anh em quyết tâm nghiên cứu và thành công với đề tài khoa học "Nghiên cứu xác định công nghệ và mô hình tổ chức trạm xử lý bom mìn, đạn dược, vật nổ ở Việt Nam", bảo đảm an toàn cho bộ đội, giá thành vừa phải, phù hợp với khả năng đầu tư và có thể sản xuất hoàn toàn trong nước. Gần 15 năm từ khi thành lập đến nay, Trung tâm luôn bảo đảm an toàn mọi mặt, chưa hề xảy ra sự cố hay thương vong đáng tiếc nào. Còn PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường ĐH Y Hà Nội do luôn bị ám ảnh trước hình ảnh bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, vật vã trong tuyệt vọng, nên dồn hết tâm sức và nghị lực, cùng đồng nghiệp thực hiện ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam (ngày 20-5-2010). Ca phẫu thuật thành công thực sự là niềm vui khó nói thành lời. Toàn êkíp gần 100 cán bộ y tế lúc đó chỉ có thể nhìn nhau với những bàn tay siết chặt. Thành công đó mở ra triển vọng tốt đẹp để ngành y học Việt Nam điều trị bệnh nhân xơ gan, ung thư gan, suy gan giai đoạn cuối…

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TƯ: "Chính các phong trào thi đua được phát động, thực hiện sôi nổi ở các cấp, các ngành, địa phương 5 năm qua đã khơi dậy, tập hợp và phát huy sức sáng tạo, trở thành động lực, biện pháp quản lý hữu hiệu, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và từng bước cải thiện đời sống nhân dân".

Hiền Chi