Giải quyết vụ tám lao động Việt bị bắt tại Malaysia
Đời sống - Ngày đăng : 13:25, 25/12/2010
Tám lao động Việt Nam đọc lại biên bản xác nhận. (Ảnh: P.V/Vietnam+) |
Chiều 24/12, cuộc họp nhằm trao trả quyền lợi cho tám công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy Spectra Alukas sau khi họ phải ngồi tù tới hơn 10 tháng để làm nhân chứng cho một vụ kiện buôn người đã diễn ra tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia.
Trước khi các lao động nhận những tấm séc do ông Cục trưởng Cục lao động Malaysia Sh. Yahya Bin Sh. Mohamed trao trả, ông Nguyễn Tiến San, Trưởng Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam, khẳng định vụ án liên quan tới tám lao động này là một vụ việc hết sức đáng tiếc do nhà máy Spectra Alukas chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với người lao động như đã được quy định trong Bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Malaysia.
Sự việc bị kéo dài do Tổ chức Liên minh Bài trừ Nô lệ châu Á, gọi tắt là CAMSA, một tổ chức chuyên can thiệp và lôi kéo lao động Việt Nam ở Malaysia dưới dạng truyền đạo Tin Lành, đã lợi dụng vụ việc này để biến 8 lao động nói trên thành các nạn nhân phục vụ cho mục đích chính trị của họ trong vụ kiện nhà máy Spectra Alukas về tội buôn người và cáo buộc Việt Nam ngược đãi người lao động.
Tám công nhân nói trên thuộc số 30 lao động được Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Sơn La (Solgimexco) đưa sang làm việc theo hợp đồng tại nhà máy sản xuất đồ nhôm Spectra Alukas vào tháng 9/2007. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nhà máy nhận được ít đơn hàng khiến công nhân thiếu việc làm. Một số trong 30 người nói trên được thuyên chuyển tới các nhà máy khác làm việc, một số được thu xếp cho về nước.
Tám lao động Việt Nam còn lại được chủ nhà máy làm thủ tục cư trú và giấy phép lao động cho năm đầu tiên. Sang năm tiếp theo, nhà máy không chịu nộp thuế để gia hạn giấy phép cư trú và lao động cho họ.
Số lao động này đã nhiều lần đề nghị nhà máy làm thủ tục gia hạn visa nhưng lần nào cũng chỉ nhận được những lời hứa. Đề nghị nhà máy không được, họ lại nhiều lần gọi điện cho người chuyên cung ứng lao động cho Solgimexco và Tổng giám đốc của công ty này, yêu cầu can thiệp nhưng vẫn không được đáp ứng.
Theo luật pháp Malaysia, những người cư trú bất hợp pháp, nếu bị bắt giữ sẽ bị phạt tù từ 3-4 tháng.
Sau vài lần chuyển nơi giam giữ, ngày 7/6, tám công nhân việt Nam được Tòa án Quận Ban Ting bang Selangor, miền Trung Malaysia xử trắng án bởi xét thấy họ chỉ là nạn nhân. Tuy nhiên, luật sư Daniel Loo của CAMSA đã ngay lập tức đệ đơn kiện nhà máy Spectra Alukas về tội buôn người. Viên luật sư này đã dụ dỗ các lao động bằng những lời hứa giúp họ đòi nhà máy bồi thường nhiều tiền và sớm được về nước.
Do có đơn kiện nên cơ quan pháp luật Malaysia tiếp tục giữ tám người này lại với lý do bảo vệ nhân chứng. Trong thời gian bị giam tại trung tâm bảo vệ nhân chứng ở Malacca, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã nhiều lần gửi công hàm tới các cơ quan hữu quan Malaysia đề nghị can thiệp giải quyết nhanh chóng vụ việc này.
Trong nước, Bộ Lao động và Thương binh xã hội cũng như gia đình các nạn nhân đã liên tục yêu cầu Solgimexco phải cử người sang giúp giải quyết vụ việc. Ngày 13/12, phiên tòa được nối lại. Lúc này cả tám lao động đều nhất trí không cần sự đại diện của luật sư Daniel.
Ban giám đốc nhà máy Spektra Alukas cũng đã nhận rõ sai lầm của mình và chấp thuận hoàn trả hai tháng lương còn nợ cộng thêm bốn tháng lương cơ bản để hỗ trợ người lao động do họ bị ở tù. Nhà máy chấp nhận chịu toàn bộ tiền vé máy bay cũng như mọi chi phí làm thủ tục về nước cho tám lao động.
Vụ việc tuy đã được giải quyết dứt điểm, song đây cũng là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động Việt Nam. Nếu như Solgimexco có trách nhiệm với người lao động thì vụ việc đã được giải quyết ngay khi tám lao động này kêu cứu và đề nghị công ty can thiệp với nhà máy Spectra Alukas, buộc họ phải thực hiện đúng thỏa thuận đã cam kết với công ty cung ứng lao động Việt Nam./.