Xua nỗi ám ảnh game online
Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 25/12/2010
Sau những khóa học "Xây dựng hình ảnh bản thân" (cai nghiện game online) những cánh thư cảm ơn của các phụ huynh thông báo tình trạng tiến bộ của các "teen nghiện" lại ríu rít bay về xua tan những mệt nhọc tất bật lo toan của các giáo viên, tình nguyện viên ở SYC. Có em bỏ học nay chịu quay lại trường, có em hồi phục sức khỏe, tinh thần, ngoan và đằm tính hơn. Bỏ game, các em đã lấy lại thời gian tươi đẹp quý giá trót đánh mất. Sau 3 khóa "cai nghiện game", chương trình tạm dừng gần 2 năm và những tháng cuối năm nay khóa 4 mới được tổ chức lại. Anh Nguyễn Thành Nhân - Phó Giám đốc SYC chia sẻ: "Đầu tư công sức vào lớp cai nghiện game rất lớn, số lượng thầy cô, điều phối viên… hơn gấp hai lần các em theo học, đa phần phải bù đắp kinh phí từ các chương trình khác. Nhưng vì nhu cầu bức thiết của phụ huynh nên SYC vẫn quyết tâm nỗ lực theo đuổi. Lớp học kỳ này giới hạn số lượng rất ít, chỉ khoảng 10 em để tập trung nghiên cứu, điều trị những trường hợp đặc biệt. Tâm lý phụ huynh rất ngại để mọi người biết con mình "nghiện game" và đã áp dụng nhiều cách "tự cai" tại nhà từ nhiều năm qua nhưng không hiệu quả, đến lúc hết cách mới chọn giải pháp "đi cai"".
Ảnh Internet |
Đến muộn trong tình trạng khá "nặng", có dấu hiệu bệnh tâm lý, tinh thần suy nhược, trầm cảm, H. (quận 12, TP Hồ Chí Minh) còn có hành vi bạo lực đánh đập chị ruột khi bị ngăn cản chơi game, em bỏ học, sống chìm trong thế giới ảo, không tiếp xúc, nói chuyện với bố mẹ, gia đình. Sau nhiều ngày "3 cùng" (cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi) với điều phối viên, thầy cô tại Trung tâm Thanh, thiếu niên, H. vẫn tỏ thái độ phòng thủ, mọi người phát hiện nhiều dấu hiệu tổn thương tâm lý của em, H. lờ đờ, chậm chạp, nói chậm, diễn đạt mọi thứ khó khăn, khả năng giao tiếp hạn chế rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Mãi đến gần cuối khóa, em mới chịu "rời vỏ ốc" để mọi người tiếp cận, gần gũi. Kết thúc khóa học, "ca" của H. vẫn được SYC đặc biệt theo dõi tình trạng đến nay, H. vẫn tiếp tục lên trung tâm chơi, thăm thầy cô, tham gia các lớp học võ, học đàn và học các khóa ứng xử, học làm người có ích. Sức khỏe, tinh thần cải thiện thấy rõ, em thoát khỏi thế giới ảo, tham gia nhiều sinh hoạt vui chơi tập thể và quyết định đi học trở lại và đăng ký vào trung tâm giáo dục thường xuyên gần nhà để học tiếp lớp 10 dang dở.
Từ một tỉnh phía Bắc, bố mẹ B.Đ.G tìm đủ mọi cách "dỗ ngọt" đưa con vào Nam đi chơi, thăm bà con rồi kín đáo gửi đến lớp cai nghiện game. Chơi đủ trò hào hứng suốt buổi, nhưng khi phát hiện mục đích của nhóm sinh hoạt, cậu liền lạnh mặt che giấu mọi cảm xúc, dửng dưng với mọi người, giận luôn cả bố mẹ. Phải mất vài ngày sau, G. mới giảm "sốc", chịu hòa đồng, cởi mở với điều phối viên. Cậu thiếu niên "sốc" vì ác cảm cái tiếng xấu "con nghiện". Thực tế, G. thông minh đến mức có thể nghe, hiểu, thuộc bài tại lớp và làm bài tập rất nhanh. Về nhà cậu miệt mài luyện game đến tận khuya, mỗi ngày "đốt" 7-10 giờ luyện game đều đặn như lao động tăng ca. Gia đình nhắc nhở thì cậu con phản ứng cộc cằn, gắt gỏng. Chơi nhiều, sức khỏe giảm sút, học hành chỉ qua loa, điểm G. kém thấy rõ, tuy chưa đến mức quá tệ hại; nhưng với đà này gia đình vô cùng buồn phiền, lo ngại cho kết quả những kỳ thi cuối lớp 12 sắp đến nhưng… hết cách. Được đánh giá là "ca" nhẹ nhất, chỉ sau 15 ngày học, cách ly tạm thời với game, giải tỏa tâm lý, G. tỏ ra trụ vững trước cám dỗ, về nhà cậu "tự cai" game bằng cách hạn chế lên mạng internet. Thương bố mẹ nhưng tính khí ngang tàng khiến G. không biết cách bày tỏ, nay được thầy, điều phối viên gần gũi, chỉ vẽ, cậu dồn thời gian lao vào học, dạy em gái, quan tâm gia đình, lấp đầy thời gian trống "nhớ game". Những đổi thay bất ngờ khiến bố mẹ G. mừng hơn "bắt được vàng", bao kỳ vọng về tương lai cậu con trai lại lấp lánh trong mắt.