Khi văn bản luật... trái luật !
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 25/12/2010
Sẽ chẳng là gì nếu con số ấy chỉ là những văn bản vô tri. Nhưng thực tế những văn bản trái pháp luật kia sẽ sinh ra những "hậu quả của chính sách", tác động ở nhiều mức độ đối với xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của những tổ chức, cá nhân có liên quan, làm giảm lòng tin của người dân đối với pháp luật và bộ máy quản lý của Nhà nước...
Có thể nói, tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, ban hành văn bản dưới luật không đúng luật, hoặc "đá" nhau lâu nay đã là "căn bệnh" trầm kha. Căn bệnh ấy nặng đến mức mà trong số gần 6.888 văn bản vi phạm kể trên thì riêng tỉnh Hưng Yên sai đến 3.267 văn bản, tức là chiếm gần một nửa. Quả thật là con số gây sốc.
Nguyên tắc hiến định là: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức, cá nhân đều hoạt động trên cơ sở hiến pháp và pháp luật. Khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không đủ, ban hành chậm, kém chất lượng, sai với luật gốc thì chắc chắn việc thực thi luật sẽ không được tốt, ảnh hưởng đến việc quản lý xã hội, dễ bị lợi dụng và người chịu thiệt đầu tiên sẽ là người dân. Thực tế có nhiều văn bản có dấu hiệu trái luật liên quan đến các vấn đề dân sinh, tác động nhanh và trực tiếp đến đời sống xã hội và các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân từng được dư luận rất quan tâm như: Văn bản của Bộ Xây dựng liên quan đến thực hiện quy chế khu đô thị mới; thông tư liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế trong TNGT; thông tư của Bộ LĐ-TB&XH về bảo hiểm xã hội bắt buộc… Hay điển hình như việc cách đây mấy năm Bộ Công an ra một văn bản gây xôn xao công luận, quy định "Mỗi người chỉ được đăng ký một xe mô tô hoặc xe gắn máy" dù theo quy định của Bộ luật Dân sự thì công dân không bị hạn chế sở hữu tài sản hợp pháp. Tất cả những văn bản đó đều đã ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật khác.
Một văn bản sai đã có thể để lại hậu quả xấu, đằng này có địa phương có tới vài ngàn văn bản sai thì thật khó chấp nhận. Dẫu lý do gì thì cũng không thể biện hộ được cho sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của những công bộc thực thi việc ban hành các văn bản đó.
Ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được hình thành chủ yếu cũng từ những quy định của văn bản pháp luật. Văn bản đúng sẽ dẫn đến hành vi ứng xử đúng. Ngược lại văn bản sai sẽ gây tác động tiêu cực đến xã hội. Giữa năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2010/NĐ-CP, trong đó xác định cán bộ, công chức soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đã đến lúc các quy định trong nghị định trên phải được thực hiện quyết liệt.