"Tình quê hương" – 65 năm âm nhạc nhạc sỹ Việt Lang

Văn hóa - Ngày đăng : 15:49, 24/12/2010

(HNMO)- Vào 20h ngày 27/12 tới, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình đêm nhạc “Chân dung âm nhạc số 15” - chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 65 năm ca khúc của cố nhạc sỹ Việt Lang. Chương trình do Truyền hình di động VTC Mobile kết hợp với Hội nhạc sỹ Việt Nam tổ chức.

Diva Mỹ Linh sẽ góp mặt trong chương trình


(HNMO)- Vào 20h ngày 27/12 tới, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình đêm nhạc “Chân dung âm nhạc số 15” - chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 65 năm ca khúc của cố nhạc sỹ Việt Lang. Chương trình do Truyền hình di động VTC Mobile kết hợp với Hội nhạc sỹ Việt Nam tổ chức.

Chương trình gồm 12 ca khúc được chọn lọc trong gia tài tác phẩm của nhạc sỹ Việt Lang: Đàn xuân, Thu trên sông, Tình quê hương, Những hình bóng qua, Đoàn quân đi, Mùa không biên giới, Một đóa hoa đào thắm, Cầu cau…với sự thể hiện của những giọng ca nổi tiếng tại Hà Nội như: Mỹ Linh, Trọng Tấn, Mai Hoa, Quỳnh Hoa và tốp ca Đài tiếng nói Việt Nam.

Cố nhạc sỹ Việt Lang - một nhạc sỹ khiêm tốn, tài hoa và lặng lẽ


Cố nhạc sĩ Việt Lang tên khai sinh là Lê Quý Hiệp, tên thường gọi là Lê Huy vốn dòng dõi nhiều đời của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784). Ông sinh tại Thái Bình ngày 30/11/1927, thọ 82 tuổi. Thuở nhỏ, ông theo gia đình lên Hà Nội và học tại trường EPSI. Kiến thức âm nhạc để ông có thể có những bài hát nổi tiếng là nhờ thụ học ở nhà trường và tự học.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhạc sỹ Việt Lang được biết đến với hàng loạt các ca khúc như Chiều Yên Thế, Tình quê hương, Đoàn quân đi, Mùa không biên giới, Đàn xuân, Thu trên sông, Bài ca Quốc tế Lao động…Âm nhạc của ông có sức lôi cuốn, thẩm thấu mạnh mẽ, làm rung động lòng người. Những bài ca kháng chiến của ông rất lãng mạn nhưng đầy sức hiệu triệu, khơi dậy tinh thần yêu nước, chiến đấu vì tổ quốc của mỗi người dân đất Việt. Việt Lang nổi tiếng khắp Bắc-Trung-Nam trong những năm 1945 – 1950, những bài hát của ông đã “nói hộ” cho cả triệu người cái mà mọi người không nói được.

Giữa lúc dường như năng lực sáng tạo sẽ đưa âm nhạc Việt Lang tới tầm cao của một nhạc sĩ thời chống Pháp, thì do hoàn cảnh gia đình – bố mẹ mất sớm, Việt Lang được chuyển ngành sang giáo dục và trở thành nhà giáo Lê Huy. Từ một "Chàng trai đất Việt" phụng sự âm nhạc đến một nhà giáo Lê Huy phụng sự nghề trồng người tại Thanh Hóa. Việt Lang vừa dạy học, vừa nuôi dưỡng bốn đứa em còn nhỏ trở thành những cán bộ có ích cho cách mạng. Và có vẻ vì những nguyên nhân này mà cái tên Việt Lang đã gần như biến mất trên lĩnh vực âm nhạc. Người đời cứ tìm ông và tìm mãi cái tên Việt Lang – người nhạc sỹ khiêm tốn và tài hoa này nhưng vô vọng. Ông quan niệm, việc mình làm thì cứ làm, mọi thứ bon chen trong đời sống không được ông tính đến. Ông cũng mặc nhiên để người ta tìm mình, nói về mình mà không hề lên tiếng.

Ca sỹ Trọng Tấn


Sau hoà bình ở miền Bắc, thầy Lê Huy về Hà Nội và tiếp tục làm nghề dạy học. Bao nhiêu năm dạy Sử, ông đã có nhiều lớp học trò giỏi giang. Ông gieo vào lòng học trò mình một tình yêu đất nước, ham hiểu biết và ham đọc sử. Sau này, ông đã rất trăn trở vì việc các học sinh không giỏi sử nữa. Rồi sau đó, ông từng làm trưởng đoàn chuyên gia giáo dục tại thủ đô Luanda (Angola) khá nhiều năm. Vẫn cuộc tìm kiếm người nhạc sỹ tài hoa mà nhiều người không thể tìm ra. Ông Lý Văn Sáu rất thân với ông Lê Huy nhưng không hề biết ông Lê Huy chính là Việt Lang. Chỉ vài năm gần đây khi biết sự thật này, ông Sáu đã khóc vì sung sướng.

Nhà thơ Dương Tường chính là một fan hâm mộ Việt Lang, lại biết trưởng nữ của ông mà bao năm cũng không biết Lê Huy là Việt Lang, đến nỗi vì yêu Việt Lang quá, Dương Tường đã phải viết trên "Tạp chí Âm nhạc" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam một bài báo mang tên "Việt Lang bây giờ anh ở đâu?".

Dù đã bỏ dang dở sự nghiệp âm nhạc, Việt Lang vẫn rất yêu, rất say mê sáng tác cho riêng mình. Với bút danh Huy Lê, Việt Lang đã viết ra bao bài hát cho vợ, cho gia đình, cho các trường mà ông từng dạy học. Hợp xướng ông viết cho trường Việt-Ba đã được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam thu thanh.

Ca sỹ Quỳnh Hoa


Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia công việc tại cơ quan UNESCO của Hà Nội, ông có dành nhiều thời gian hơn cho sáng tác bài hát. Bài hát "Chúc mừng năm mới", "Chào mừng ASEM"....của ông đã được hát vang trên làn sóng phát thanh và truyền hình. Là một công dân rất yêu Bác Hồ, ông đã viết nhiều bài báo về Bác Hồ, về giáo dục đạo đức Bác Hồ trong nhà trường, rồi làm thơ và viết bài hát về Bác Hồ.

Trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội chủ trương ra cuốn sách "Nhạc sĩ Việt Nam" trong đó không chỉ giới thiệu những nhạc sĩ - hội viên mà còn giới thiệu cả những tác giả có đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Việt Lang đã được giới thiệu trân trọng.

Ngày kỷ niệm 50 năm thành lập hội Nhạc sỹ Việt Nam cuối năm 2007, dù đã mắc bệnh nan y, Việt Lang từ Bệnh viện đi thẳng tới lễ kỷ niệm tươi cười như thường. Chính Việt Lang cũng đâu ngờ lần gặp gỡ, hội ngộ làng nhạc hôm ấy là lần cuối cùng ông cùng anh em quây quần mừng tủi. Ông đã ra đi khỏi cõi đời nhẹ nhàng như từng ra đi khỏi cái tên Việt Lang, để lại một huyền sử vô tận về một "Chàng trai đất Việt" hồn nhiên ca hát.

Làm chương trình liveshow Chân dung âm nhạc lần này cho nhạc sỹ Việt Lang, đó là nguyện vọng, tâm tư tình cảm của anh em làm nghề, của một lớp người yêu những ca khúc Việt Lang, yêu cái tấm lòng thanh cao của ông. Đây cũng là nguyện vọng của những đứa con rất yêu bố và trân trọng những fan của bố – Nhà biên kịch Lê Hoàng Trâm, con gái nhạc sỹ Việt Lang chia sẻ. 

T.Minh