Bài 6: Công thức “chế tạo” thành công
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:26, 24/12/2010
Kể từ đó đến nay, Trường Bắc Lý - cái nôi của phong trào "Hai tốt" đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Bao nỗ lực, kinh nghiệm của các thế hệ thầy, trò để tạo nên thành công được lãnh đạo các thế hệ nhà trường cô gọn trong một công thức "3 cộng" đơn giản: Cá nhân tốt + tập thể nhỏ tốt + liên tục thi đua = trường tiên tiến.
Câu chuyện của chúng tôi và thầy Ngô Văn Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Lý liên tục bị ngắt quãng bởi quá nhiều khách đến thăm trường. "Có thời gian chúng tôi phát mệt vì khách - thầy Hằng nói - tất nhiên việc có nhiều đơn vị đến học tập, trao đổi kinh nghiệm là niềm vinh dự cho nhà trường, nhưng mỗi tháng phải tiếp đón cả chục đoàn khách khiến chúng tôi không còn nhiều thời gian dành cho công tác chuyên môn. Mặt khác, giáo dục đào tạo trong cơ chế thị trường hôm nay cũng khác xa so với ngày trước, không phải cứ có vận động, hô hào mở nhiều phong trào thi đua là trở thành đơn vị dạy tốt, học tốt. Vấn đề là chọn lĩnh vực thi đua và động viên, lôi cuốn được thầy, trò cùng thi đua thì mới có kết quả. Và quan trọng là phải làm cho người dân vùng thuần nông chiêm trũng nghèo khó này thấy được lợi ích từ việc học thì họ mới cho con em đi học, mới chịu đầu tư. Đó là cái khó của mô hình giáo dục Bắc Lý trong giai đoạn hiện nay" - thầy Hằng khẳng định.
Thầy Hiệu trưởng Ngô Văn Hằng giới thiệu truyền thống Trường Bắc Lý cho học sinh. |
Sau này, Bắc Lý dần "khôn" hơn trong việc đón khách, không thụ động như trước đây mà chủ động tìm hiểu xem các đơn vị bạn mạnh ở lĩnh vực nào để học tập, như chuyện nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cách triển khai các mô hình xã hội hóa giáo dục... thậm chí là làm thế nào để xin mở rộng trường lớp nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Muốn có chất lượng đào tạo tốt, trước hết phải có đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Tất cả giáo viên mới về Bắc Lý đều được "ngâm tẩm" khá kỹ trong phòng truyền thống của nhà trường, được tiếp xúc với các thế hệ cán bộ, giáo viên qua các thời kỳ, để họ thấy được niềm vinh dự lớn lao, niềm tự hào khi giảng dạy trong một ngôi trường có bề dày thành tích - cái nôi của phong trào thi đua "Hai tốt", thấy được trách nhiệm nặng nề phải kế tục, phát huy truyền thống đó. Thầy Hằng cho biết, ngoài các chương trình bồi dưỡng giáo viên theo quy định chung của Bộ, trường còn đào tạo giáo viên trẻ có phong cách, phương pháp dạy của riêng Bắc Lý. Phương pháp đó là gì? Là gắn học với hành, gắn lý thuyết với thực tế. Dĩ nhiên là không còn chuyện thầy trò cùng lăn lộn ngoài đồng, xông vào chuồng trại chăn nuôi để có... thực tế như ngày trước, thay vào đó, các em được khuyến khích chủ động tự tìm hiểu, tự làm đồ dùng học tập. Trường hiện có hơn 600 học sinh và 48 giáo viên (100% giáo viên đạt chuẩn của Bộ GD-ĐT), hầu hết các môn học đều có phòng thực hành, tất cả các lớp đều có giờ thực hành ngang với giờ lý thuyết.
Các phong trào thi đua của trường được đúc kết qua các giai đoạn thật đơn giản: Một cá nhân tốt sẽ có tập thể nhỏ tốt, có tập thể nhỏ tốt sẽ có tập thể lớn tốt và nếu được đưa vào "guồng" thi đua liên tục thì chắc chắn sẽ có trường tiên tiến. Cùng với việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Bắc Lý thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng và lựa chọn những điển hình tiên tiến tiêu biểu toàn diện hoặc trên từng lĩnh vực, kịp thời phát hiện, biểu dương những cá nhân, nhóm chuyên môn có những biện pháp triển khai hoạt động có hiệu quả, có cách làm hay, cách làm mới, tổ chức phổ biến kinh nghiệm trước toàn trường để các cá nhân, đơn vị khác học tập, vận dụng triển khai.
Vậy trường còn duy trì tiếng trống báo hiệu giờ học thêm ở nhà mỗi tối không? Theo Ban Giám hiệu nhà trường thì hình thức này không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tuy không đánh trống, gõ kẻng mỗi tối, nhưng trường vẫn cùng gia đình, chính quyền địa phương duy trì nền nếp học tối cho học sinh. Giáo viên cùng bí thư chi bộ, trưởng thôn, đoàn viên thanh niên các thôn, xóm thường xuyên tổ chức các đội kiểm tra đột xuất, nhất là những em học kém, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh có nguy cơ bỏ học, để động viên, tìm biện pháp giúp đỡ; tổ chức các nhóm phụ huynh có con em hư hỏng để cùng nhau giúp đỡ, chủ động đề xuất giải tỏa các quán "net" gần trường, theo dõi những học sinh có khả năng mắc tệ nạn xã hội để áp dụng biện pháp phòng ngừa... Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa gia đình, nhà trường và chính quyền cơ sở, nhiều năm qua, trường không có học sinh mắc tệ nạn xã hội, học sinh yếu kém chỉ chiếm 0,1%. Với những thành tích đạt được, năm 2000 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Từ năm 2002 đến 2009, trường được tặng thưởng nhiều huân chương, cờ thi đua, bằng khen..., năm học 2008-2009 được thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Ban Giám hiệu Trường THCS Bắc Lý khẳng định - Những bài học của mô hình "Hai tốt" như "học đi đôi với hành", người dân góp tay cùng làm giáo dục không hề cũ trong giai đoạn mới.