Khuyến khích XHH đầu tư phải đi đôi với kiểm tra, giám sát
Kinh tế - Ngày đăng : 15:39, 23/12/2010
(HNMO) – Sáng 23/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp tập thể UBND TP nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2011- 2015.
Những kết quả đáng ghi nhận từ việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư
Tại buổi họp, ông Phạm Văn Khương – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư đã báo cáo về dự thảo Đề án do Sở xây dựng. Theo đó, tại Đề án đã nêu rõ, xã hội hóa việc thực hiện các chính sách xã hội là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa bằng Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Hàng năm, UBND TP đã giao chỉ tiêu kế hoạch về các lĩnh vực xã hội hóa theo Nghị định 69 của Chính phủ cho các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện. TP cũng đã phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa tại Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 3/8/2007, trong đó các lĩnh vực theo Nghị định 69 có 21 dự án (đến nay đã đấu thầu 9 dự án, 8 dự án đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2011; 4 dự án khác TP cho phép tạm dừng).
Từ năm 2008, TP cũng đã chấp thuận địa điểm, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nghiên cứu lập và thực hiện 134 dự án với vốn đầu tư đăng ký trên 13.391 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng trên 1.433 ha; 69 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang triển khai xây dựng. Riêng năm 2010 đã chấp thuận địa điểm, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 55 dự án với vốn đầu tư đăng ký trên 5.628 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng trên 863 ha. Về đầu tư nước ngoài, TP cũng đã thu hút được gần 112 triệu USD, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án nước ngoài thuêđịa điểm thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, đầu tư giáo dục, y tế, văn hóa (riêng năm 2010 thu hút được trên 18 triệu USD và cấp chứng nhận đầu tư cho 11 dự án).
Bên cạnh đó, trên cơ sở các cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa của Nhà nước, UBND TP đã ban hành các cơ chế khuyến khích xã hội hóa phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô, đó là: quy định đấu thầu, đặt hàng giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong quản lý các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Theo đó, về kết quả thực hiện công tác xã hội hóa và thu hút đầu tư giai đoạn 2007-2010 trên địa bàn TP có nhiều thành tích đáng ghi nhận. Về lĩnh vực giáo dục hiện trên địa bàn TP có 436 cơ sở ngoài công lập/tổng số 2.511 cơ sở (chiếm 17,4%). Ngoài ra, còn có 414 Trung tâm học tập cộng đồng và 175 Trung tâm ngoại ngữ tin học, trung tâm bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật đang hoạt động. Quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức đào tạo nên đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Một số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia với chất lượng giáo dục cao như: Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành - Cầu Giấy, Nguyễn Siêu; trường tiểu học và THCS Đoàn Thị Điểm, Trường phổ thông Việt Úc, Trường THCS và THPT Maricurie, Trường tiểu học Lê Quý Đôn - Từ Liêm…
Trường phổ thông Việt Úc, Mỹ Đình, Hà Nội.
Về lĩnh vực dạy nghề, TP hiện có 157 cơ sở dạy nghề ngoài công lập/ tổng số 234 cơ sở (chiếm 67%), trong đó: cao đẳng nghề: 9/20 (chiếm 45%), trung cấp nghề 26/45 (chiếm 57,7%), trung tâm dạy nghề: 35/54 (chiếm 64,8%). Từ 2007 đến nay đã có 42 trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm dạy nghề ngoài công lập được thành lập mới. TP cũng đã cấp phép hoạt động cho 04 cơ sở dạy nghề 100% vốn nước ngoài, và đang phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư để kêu gọi đầu tư Trung tâm dạy nghề Việt - Đức. Cùng với hệ thống dạy nghề ngoài công lập, số lượng lao động được đào tạo nghề tăng từ 117 nghìn lượt (năm 2008) lên 140 nghìn lượt (năm 2000).
Ở lĩnh vực y tế, TP hiện có 6.812 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đang hoạt động (trong đó có 23 bệnh viện với tổng vốn đầu tư 1.142 tỷ đồng, quy mô 761 giường bệnh, diện tích sử dụng đất 2,69ha) đảm nhiệm khoảng 40% việc khám chữa bệnh thông thường; Đã cơ bản thực hiện hoàn thành đề án nâng cấp trang thiết bị y tế Thủ đô giai đoạn 2007-2010, thu hút nguồn vốn xã hội hóa trên 700 tỷ đồng với 12/15 dự án đang hoạt động.
Trong lĩnh vực văn hóa – thể thao, 5 năm qua trên địa bàn TP có 150 di tích được tu bổ, tôn tạo với kinh phí 600 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. TP cũng đã huy động được 212,4 tỷ đồng từ các doanh nghiệp để thực hiện một số dự án chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, TP còn huy động xã hội hóa kết hợp tuyên truyền và quảng cáo trong các hoạt động văn hóa thể thao ước đạt trên 50 tỷ đồng mỗi năm. Thực hiện xã hội hóa đầu tư 2 sân bóng đá thuộc trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Mỹ Đình; đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sân thi đấu tennis qui mô 3.000 chỗ có mái che, 12 sân tập phụ và Siêu thị thể thao tại Mỹ Đình.
Mặt khác, tại lĩnh vực môi trường, các doanh nghiệp đã đầu tư thực hiện 21 dự án cải tạo hồ nội thành với tổng kinh phí trên 481 tỷ đồng, trong đó 7 hồ đã hoàn thành và gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. TP cũng đã hoàn thành giai đoạn II dự án cấp nước sạch sông Đà đưa tổng công suất cấp nước đạt 600.000m3/ngày đêm; đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nhà máy nước Gia Lâm 60.000m3/ngày đêm và xây dựng hạ tầng cấp nước khu vực Yên Viên (Gia Lâm), Kim Chung, Võng La, Đại Mạch (Đông Anh) với vốn huy động của doanh nghiệp trên 324 tỷ đồng. TP cũng đã triển khai đặt hàng dịch vụ đô thị để thực hiện nhiệm vụ về vệ sinh môi trường, thu gom và vận chuyển rác thải, bảo trì hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn thú, hệ thống thoát nước Thành phố. Hiện TP đang triển khai xã hội hóa đầu tư các dự án nghĩa trang tập trung (Vĩnh Hằng, Yên Kỳ, Minh Phú), các dự án xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ tiên tiến; Đang lập quy hoạch công viên Thống nhất và công viên Tuổi trẻ để kêu gọi XHH đầu tư.
Ưu tiên cho những dự án xã hội hóa thực hiện tại các địa bàn khó khăn, kém hấp dẫn
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành của TP đã đóng góp ý kiến cho Đề án Đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 -2015. Theo đó, các đại biểu đều thống nhất với các mục tiêu cơ bản tới năm 2015 mà Sở KH&ĐT đưa ra. Đó là, đối ngành Giáo dục - Đào tạo: Tỷ lệ học sinh ngoài công lập: tiểu học 3%; THCS 5%; THPT khu vực huyện khó khăn 20-30%, các khu vực còn lại 40%; trung học chuyên nghiệp 60%; 100% xã, phường và thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng; Chuyển 30 - 35 trường công lập có điều kiện sang thực hiện tự đảm bảo toàn bộ chi phí thường xuyên và hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao (trong đó Mầm non 20 trường, Tiểu học 5 trường, THCS 5 trường, THPT 3 trường, TCCN 2 trường); Thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng 60-70 trường học ngoài công lập (trong đó Mầm non 20 trường, Tiểu học 10 trường, THCS 10 trường, THPT 20 trường, TCCN 10 trường).
Đối với lĩnh vực y tế sẽ thực hiện hoàn thành Đề án hiện đại hoá trang thiết bị y tế Thủ đô giai đoạn 2007-2010, tập trung hiện đại hoá trang thiết bị y tế một số lĩnh vực mũi nhọn bằng nguồn xã hội hoá với số vốn khoảng 750 tỷ đồng; Xây dựng 15 bệnh viện ngoài công lập với qui mô 3000 - 4000 giường; Chuyển 3 bệnh viện công lập sang cơ chế tự chủ từ một phần đến tự chủ hoàn toàn (các bệnh viện tự chủ hoàn toàn: Phụ sản, Thận, Việt Nam-Cuba)…
Để hoàn thành các mục tiêu trên, các đại biểu tại cuộc họp đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa và thu hút đầu tư của TP giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh trong giải quyết các thủ tục hành chính ở tất cả các cấp, các ngành của Thành phố; Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo thuận lợi cho các cơ sở xã hội hóa hoạt động, mở rộng qui mô và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó là tập trung nguồn lực tài chính để hỗ trợ kịp thời cho các dự án trên cơ sở xã hội hóa theo chính sách của TP, cân đối bố trí kinh phí hàng năm thực hiện Quyết định số 25/2010/QĐ-UBND ngày 21/6/2010 về khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, môi trường trên địa bàn TP, trong đó ưu tiên cho những dự án xã hội hóa thực hiện tại các địa bàn vùng khó khăn, kém hấp dẫn hoặc có nhu cầu bức xúc…
Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phải đi đôi với kiểm tra, giám sát, xử phạt
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành và các Phó Chủ tịch TP: Phí Thái Bình, Ngô Thị Thanh Hằng, Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã khẳng định xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường là 1 trong 5 trọng tâm TP Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh thực hiện. Qua 3 năm triển khai thực hiện thu hút xã hội hóa đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách, Hà Nội đã đạt được những kết quả rất lớn. Với lợi thế là Thủ đô, Hà Nội có rất nhiều ưu thế trong việc thu hút đầu tư để phát triển…
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng nhận định, các kết quả trên chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Hà Nội. Ví như về vấn đề xã hội hóa đầu tư trường học, ở các khu đô thị mới đều quy hoạch quỹ đất để xây dựng trường học, nhà trẻ, mẫu giáo nhưng nhiều nơi chậm triển khai. Quy mô đầu tư vào các dịch vụ xã hội hóa cũng còn rất nhỏ bé. Ở Hà Nội chưa có bệnh viện tư nhân nào xứng với tầm vóc của Thủ đô; chưa có trường học nào mang đẳng cấp quốc tế.
Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng chỉ ra, trong cơ chế chính sách thực hiện xã hội hóa đầu tư cũng còn nhiều bất cập. Đó là nhà đầu tư “giục” TP thực hiện theo Nghị định 69 của Chính phủ, phải bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư; trong khi giá đền bù giải phóng 1m2 mặt bằng có nơi lên tới 1 tỷ đồng/m2; do đó việc thực hiện rất bất cập, ngân sách TP không đảm đương nổi và vốn giải phóng mặt bằng chỉ có thể dành cho các dự án của Nhà nước. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo cần tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ sửa đổi.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đánh giá, vấn đề giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xã hội hóa đầu tư ở Hà Nội còn vòng vo, qua nhiều quy trình; các ngành cần làm rõ, để minh bạch hóa các bước thực hiện. Hơn nữa, do các ngành thiếu kiểm tra, kiểm soát nên trên địa bàn TP có hiện tượng chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp.
Trong 5 năm tới, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút xã hội hóa đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện đại hóa. Để việc xã hội hóa đầu tư được thành công, cần có trách nhiệm của tất cả các sở, ngành của TP; các ngành phải xây dựng được các quy hoạch ngành, quy hoạch mạng lưới; đưa ra được danh mục kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Bên cạnh đó, các ngành phải rà soát lại các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư để công khai, minh bạch hóa (xây dựng bộ thủ tục, chính sách ưu đãi về đất, hạ tầng, vốn vay…). Tiếp theo đó là phải tăng cường sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm (đất trường học phải là trường học, không được chuyển đổi sang mục đích khác). Chủ tịch UBND TP giao Sở Nội vụ kiểm tra các quỹ đất công cộng để báo cáo lại TP.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục hoàn thiện Đề án đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2011- 2015 để triển khai thực hiện./.