Cần giải quyết dứt điểm

Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 23/12/2010

(HNM) - Khi các hộ dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp tại xứ đồng Man Dộc - Thanh Lươn (phường Phú La - Hà Đông) không bị ai ngăn chặn và khi họ tự ý chuyển nhượng nhà, đất còn được chính quyền địa phương xác nhận… Đây là những vi phạm từ lâu, nhưng hiện đang gây rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết hậu quả...

Sau khi có sự điều chỉnh địa giới hành chính (tháng 5-2008), xứ đồng Man Dộc - Thanh Lươn, xã Phú Lương được chuyển về tổ dân phố 10, phường Phú La. Năm 2008, UBND quận Hà Đông đã quy hoạch 3,06ha đất nông nghiệp ở xứ đồng Man Dộc - Thanh Lươn vào Dự án đất dịch vụ khu Văn Nội. Ngày 21-12-2010, UBND quận Hà Đông đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm để tiếp tục thực hiện công tác GPMB. Không đồng tình với cách giải quyết này, một số hộ dân cho rằng: Nhà, đất mà họ đang sử dụng ổn định từ năm 1994 và người dân đã nộp thuế đầy đủ; khi mua bán, chuyển nhượng cũng được chính quyền địa phương (ông Đỗ Như Kháng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Công an xã Phú Lương ký xác nhận được "toàn quyền sử dụng lâu dài"; thậm chí, có 3 hộ đã được UBND huyện Thanh Oai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "sổ đỏ" từ năm 2003). Khi bị buộc cưỡng chế, một người dân bức xúc: "Cách đây khoảng 4 năm, chị gái tôi bỏ ra 16 cây vàng để mua miếng đất và ngôi nhà tạm này; ngay bên cạnh kia là ngôi nhà 2 tầng xây năm 2006… Vì nhận thức chưa đầy đủ nên chúng tôi thiệt đủ đường, nhưng nếu ngay từ đầu cán bộ không làm sai thì người dân không phải chịu hậu quả nặng nề đến vậy".

Để làm rõ nguồn gốc đất, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với đại diện lãnh đạo UBND các phường Phú La và Phú Lương, được biết: Khu vực 3,06ha đất nói trên hiện đã thuộc dự án đất dịch vụ khu Văn Nội, là đất nông nghiệp của 140 hộ dân được giao từ năm 1994 theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và đến năm 2008, khu vực này cũng chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong số đó, có 12 hộ đã "ngấm ngầm" chuyển nhượng đất cho người khác và đã tự ý xây dựng các công trình trái phép (nhà kiên cố, nhà tạm, lều lán, tường bao...), với diện tích lên tới gần 3.000m2. Đối chiếu với bản đồ của địa phương qua các thời kỳ và bản đồ gần đây nhất (đo vẽ năm 1997), thì toàn bộ diện tích này vẫn là đất nông nghiệp. Do buông lỏng công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương, nên có những chủ sử dụng đất đã xây đến 6, thậm chí là 9 ngôi nhà tạm nhưng không bị ai xử lý? Năm 1997, một loạt cán bộ ở xã Phú Lương đã phải chịu trách nhiệm hình sự vì những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trong đó có ông Đỗ Như Kháng.

Từ khi khu đất trên được phê duyệt quy hoạch là đất dịch vụ, các cơ quan chức năng của quận Hà Đông đã tiến hành họp dân, công khai quy hoạch và quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ GPMB. Theo đó, các hộ được giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP chỉ được nhận bồi thường, hỗ trợ (BTHT) theo giá đất nông nghiệp; các công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sẽ không được BTHT; việc BTHT chỉ được áp dụng đối với người sử dụng đất hợp pháp, có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Song trên thực tế, nhiều trường hợp được giao đất và người đang sử dụng đất là hai chủ thể khác nhau, nên gây nhiều tranh chấp giữa những người đã chuyển nhượng, bởi người đang sử dụng đất không có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.

Trước những khúc mắc trên, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông giải thích: Việc ông Đỗ Như Kháng xác nhận vào giấy chuyển nhượng của các hộ là trái quy định pháp luật; UBND quận đã yêu cầu ông Kháng giải trình, nhưng hiện ông Kháng không có mặt tại địa phương. Việc BTHT chỉ áp dụng đối với người sử dụng đất hợp pháp khi họ bị thu hồi, nếu người đang sử dụng đất thỏa thuận được với người đã chuyển nhượng thì chủ thể nhận BTHT có thể sẽ được xem xét lại. Quá trình BTHT và giao đất dịch vụ chắc chắn sẽ có tranh chấp xảy ra, nhưng UBND quận sẽ bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến ngày cưỡng chế, có 9 hộ tự nguyện tháo dỡ và được UBND phường Phú La hỗ trợ nhân lực, phương tiện chuyên chở. Riêng 3 trường hợp được UBND huyện Thanh Oai cấp "sổ đỏ", Thanh tra quận Hà Đông đang tiến hành thẩm định lại tính hợp pháp, để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật về đất đai.

Thiện Mỹ