"Khát" mặt bằng sản xuất
Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 22/12/2010
Tuy nhiên, các LN này đang hoạt động quá tải, thiếu mặt bằng sản xuất, dẫn đến không mở rộng được quy mô và gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Sôi động làng nghề
Sản xuất tại làng nghề kim khí Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Ảnh: Bá Hoạt
Huyện Thạch Thất có 35/54 làng có nghề, trong đó có 8 làng được công nhận là LN cấp thành phố, chủ yếu là những LN có bề dày truyền thống hàng trăm năm tuổi, nổi tiếng trong cả nước. Thạch Thất là huyện rất có tiềm năng phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), có tốc độ phát triển nhanh. Các LN truyền thống như cơ kim khí Phùng Xá; mây tre đan Bình Phú; mộc, may Hữu Bằng; mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu... ngày càng phát triển mạnh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng làng, sản phẩm LN ngày càng đa dạng và phong phú, tạo nhiều việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Hiện tại, hầu hết các lao động dôi dư trên địa bàn huyện đều có việc làm ổn định với mức thu nhập khá cao, theo đó lao động có tay nghề cao là 180.000 đồng/người/ngày, lao động phổ thông dao động từ 80.000-120.000 đồng/người/ngày.
Ông Đỗ Đăng Hùng, Phó phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, các LN phát triển, tạo nhiều việc làm cho lao động và nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn. Riêng xã Phùng Xá, LN chuyên sản xuất cơ kim khí phát triển mạnh nhất, có tới 140 DN và 400 hộ sản xuất quy mô hộ gia đình, giải quyết việc làm cho 7.000 lao động mỗi ngày, trong đó có tới 50% là lao động ở các xã lân cận. Các LN khác cũng thu hút nhiều lao động, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Hiện có 72 DN sản xuất mộc dân dụng trên địa bàn các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn; trong đó Canh Nậu có 18 DN, thu hút 2.700 lao động trên tổng số 5.931 lao động, chiếm 46,7%; Dị Nậu có 11 DN với 1.100 lao động, chiếm 37% tổng số lao động; Chàng Sơn có 43 DN sản xuất đồ gỗ, trang trí nội thất, thu hút 1.700 lao động trên tổng số 3.922 lao động, chiếm 43,3%.
Thiếu mặt bằng sản xuất
Theo ông Đỗ Đăng Hùng, ở nhiều LN như Chàng Sơn và Canh Nậu... mặt bằng sản xuất trở nên hết sức khó khăn, phần lớn các xưởng mộc nằm ngay trong hộ gia đình nên ô nhiễm tiếng ồn, bụi, không khí, chất thải ảnh hưởng tới nhiều thế hệ trong một gia đình, gây các bệnh về đường hô hấp rất cao. Nguyên nhân chính là do hằng ngày có tới hàng nghìn tấn bụi mùn cưa, mùi sơn gỗ độc hại do các khu sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thải ra môi trường xung quanh.
Để giải quyết nhu cầu của các LN về mặt bằng, huyện Thạch Thất đã quy hoạch mỗi xã nghề một cụm công nghiệp (CCN) nhưng tiến độ triển khai xây dựng, mở rộng rất chậm. Trong số 6 CCN đã được quy hoạch với tổng diện tích trên 50ha thì mới có 2 CCN đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả như CCN Phùng Xá 15ha; CCN Chàng Sơn 10,5ha, còn CCN Phú Kim hơn 5,8ha, CCN Chàng Sơn mở rộng 10ha, Canh Nậu 10,7ha... vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc về cơ chế, chính sách GPMB. Đơn cử như tại CCN Phú Kim quy mô hơn 10ha, triển khai từ năm 2006, đã GPMB được 5ha còn 5,8ha. Nếu theo cơ chế cũ của Hà Tây, các hộ mất đất sẽ được hưởng 10% đất dịch vụ, nhưng đến nay việc GPMB hết sức khó khăn, do chưa bố trí được quỹ đất dịch vụ, gây nhiều trở ngại cho việc GPMB nốt phần còn lại 5,8ha của dự án…
Còn tại làng mộc Chàng Sơn, ông Phí Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết, toàn xã có hơn 2.000 hộ, gần 90% làm nghề mộc dân dụng. Huyện và xã đã quy hoạch CCN Chàng Sơn quy mô 10,5ha, nhưng đến nay mới chỉ đưa khoảng 30% số hộ ra sản xuất. Số hộ còn lại một phần do quỹ đất không đủ, giá đất cao nên nhiều hộ không đủ tiền thuê, mua đất làm lán trại, nhà xưởng. Việc mở rộng CCN còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, nếu để địa phương tự đứng ra lo các thủ tục hành chính của dự án thì trình độ cấp xã không làm được, nên cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cơ sở tới cấp thành phố để CCN không bị "biến tướng" thành nơi giãn dân.