“Bịt” một chỗ, “phình” nhiều chỗ
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 22/12/2010
Phát sinh hàng loạt điểm giết mổ mới
Giết mổ lợn tại cơ sở Vinh Anh (Phùng Khoang - Từ Liêm). Ảnh: Quỳnh Dung
Sáng sớm, trên khắp các ngả đường từ đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng... đổ về nội đô, hàng trăm xe máy, mỗi xe chở từ 2-3 con lợn "khỏa thân" hối hả phóng như bay. Theo Chi cục Thú y Hà Nội, với lý do lò mổ Minh Hiền quá xa các chợ trung tâm (cách lò mổ Thịnh Liệt khoảng 30km) nên việc chuyển các hộ từ lò mổ Thịnh Liệt về Minh Hiền vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, số hộ di dời mới đạt khoảng 1/3, số lợn giết mổ mới đạt được 1/5, trước kia trung bình mỗi ngày ở Thịnh Liệt giết khoảng 1.500 con, nay tại cơ sở Minh Hiền, mỗi ngày 9 hộ chỉ giết khoảng 300 con.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 18-12, tham gia cùng cán bộ kiểm dịch Chi cục Thú y Hà Nội, PV Hànộimới được mục sở thị các cơ sở giết mổ nằm giữa khu dân cư tại khu vực chợ Phùng Khoang xã Trung Văn (Từ Liêm). Trong tiết trời giá rét, tiếng lợn kêu inh ỏi, cơ sở giết mổ Vinh Anh và Đại Hồng như một công xưởng, hàng chục người giết mổ và thương lái đến lấy hàng ra vào tấp nập. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, chủ lò mổ Đại Hồng cho biết, khi chưa đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, ở đây chỉ mổ khoảng trên 100 con, đến nay trung bình mỗi ngày mổ 230 đến 300 con. Tương tự, tại cơ sở giết mổ Vinh Anh, với diện tích khoảng 500m2, mỗi đêm có 50-60 người chen chúc lấy hàng. Toàn bộ khu giết mổ, khu làm lòng nằm ngay bên cạnh chuồng nhốt lợn. Trước kia trung bình mỗi ngày cơ sở này chỉ giết khoảng 70 con, đến nay đã tăng lên gần 200 con. Theo quan sát của PV, tại 2 cơ sở giết mổ này, vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập, gần khu dân cư, nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường... Trước sự tò mò của chúng tôi, một thương lái tên Toàn vừa vắt 3-4 con lợn "khỏa thân" kéo lê từ khu giết mổ lên xe máy chuẩn bị đưa vào các chợ trong nội thành vừa cho biết, trước kia anh chỉ lấy lợn ở Thịnh Liệt, nhưng nay lò mổ đó đóng cửa, nếu xuống cơ sở Minh Hiền ở Thanh Oai lấy sẽ rất tốn kém, đường xa, bụi bặm và nhiều khi cảnh sát giao thông lại hỏi han rất phiền hà!.
Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, theo báo cáo của các huyện, hầu hết số lợn giết mổ trên địa bàn đều tăng mạnh so với trước khi đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt. Tại huyện Thanh Trì đã phát sinh thêm 7-8 điểm giết mổ mới ở các xã Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển... Những điểm này đều là chủ cơ sở ở Thịnh Liệt về thuê của các hộ dân. Số lượng lợn giết mổ trên địa bàn Thanh Trì hiện là 800 con/ngày, đã tăng thêm 500 con so với trước. Mặc dù chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng nghiêm cấm việc giết mổ chui, nhưng thực tế rất khó quản lý.
Cơ quan chức năng nói gì ?
Anh Nguyễn Hữu Thảo, Phó phòng Kiểm dịch Chi Cục thú y Hà Nội cho rằng, các lò mổ có quy mô nhỏ, hoạt động phân tán là nguyên nhân khiến việc kiểm tra, kiểm soát gặp khó khăn. Trong khi đó lực lượng chức năng làm công tác kiểm dịch còn mỏng, trang bị phương tiện kỹ thuật kiểm dịch còn thiếu. Việc đưa các chủ lò về cơ sở giết mổ Minh Hiền là một chủ trương đúng vì ở đó các điều kiện giết mổ, vệ sinh thú y đều tốt. Tuy nhiên, do các ngành chức năng còn lúng túng trong chỉ đạo và thực hiện dẫn tới thực trạng "trên" bảo "dưới" không nghe trong lĩnh vực giết mổ và vận chuyển thịt gia súc gia cầm trên địa bàn Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội, việc đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt là cơ hội cho các lò giết mổ thủ công ở các huyện ngoại thành hoạt động vượt công suất để bù đắp lượng thịt lợn mà lò mổ Thịnh Liệt cung cấp cho Hà Nội. Vốn dĩ, các lò mổ này chưa bảo đảm các điều kiện về giết mổ gia súc, vệ sinh thú y, nay mỗi ngày lại tăng thêm từ 100-200 con lợn, sẽ càng gây ô nhiễm môi trường và gây khó khăn trong công tác kiểm soát vệ sinh thú y. Hơn nữa, vào thời điểm cuối năm, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nếu vẫn còn tình trạng các hộ ở Thịnh Liệt giết mổ chui ở các huyện ngoại thành như hiện nay sẽ càng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn TP. Hiện tại, các ngành chức năng của TP cũng như chính quyền địa phương đang rất khó giải quyết vấn đề này, nếu như không cho các hộ giết mổ nhỏ lẻ thủ công sẽ có thể dẫn đến giá thịt lợn tăng cao, còn nếu cho họ giết mổ sẽ rất khó quản lý.