Thiếu hướng dẫn chuẩn
Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 22/12/2010
Đây là bước phát triển tất yếu của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" khi đã chín muồi và phát triển rộng khắp. Nhìn vào hiệu quả đạt được bước đầu ở phường Quảng An cũng như nhiều địa phương khác, có thể thấy mô hình này đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ để xây dựng nếp sống văn minh nhưng còn phát triển chưa sâu rộng, ít nhiều mang tính tự phát do thiếu hướng dẫn cụ thể.
Đòi hỏi tất yếu
Lấy quận Tây Hồ làm ví dụ. Sau 10 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trên 50% khu dân cư, tổ dân phố, trên 80% số hộ gia đình của quận đã đạt được danh hiệu này. Nhiều phường có gần 100% số khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa như Quảng An, Yên Phụ… nhưng vẫn có người sinh con thứ 3, vẫn phát sinh những trường hợp nghiện mới, vẫn còn tình trạng đổ rác thải bừa bãi... Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng VH-TT quận thì ngoài yếu tố chủ quan của mỗi cá nhân còn có phần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên do chưa thực sự sâu sát đến phong trào. Mặt khác, các danh hiệu văn hóa được xem xét ở phạm vi hẹp nên có nhiều khu dân cư, tổ dân phố sau khi đạt danh hiệu dễ bằng lòng, thiếu bền bỉ phấn đấu, còn những đơn vị phấn đấu nhiều năm chưa đạt lại có tâm lý buông xuôi.
Người dân phường Quảng An, quận Tây Hồ chăm sóc cây quất cảnh. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Từ thực tế đó, Quận ủy Tây Hồ đã xây dựng Đề án số 03, ngày 2-4-2009 về xây dựng "Phường văn hóa" trên địa bàn quận. Đề án này đã được UBND quận cụ thể hóa tại Quyết định số 14, ngày 27-4-2009 cùng với Quy chế công nhận danh hiệu "Phuờng văn hóa". Quy chế gồm 3 chương, 10 điều, quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, thủ tục cũng như cách thức tổ chức xây dựng phường văn hóa. Xét thấy phường Quảng An có nhiều yếu tố thuận lợi, quận Tây Hồ đã chọn làm điểm triển khai.
Mô hình xã, phường văn hóa được tỉnh Bắc Giang xây dựng ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang từ năm 2003. Tương tự, thành phố Cần Thơ đã triển khai mô hình này ở 85 phường; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai ở 20 phường, xã; tỉnh Hậu Giang triển khai ở 30 phường, xã….
Hiệu quả thiết thực
Ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết: Mô hình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân với 100% số hộ ký cam kết thực hiện. Sau gần hai năm triển khai, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Quảng An tăng lên rõ rệt. Năm 2010, ngân sách phường tăng thu hơn 20% so với năm 2009, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động; vận động nhân dân ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt được hơn 90 triệu đồng, ủng hộ Quỹ vì người nghèo được hơn 60 triệu đồng; 100% trẻ em được đến trường, được chăm sóc sức khỏe, không phát sinh đối tượng nghiện mới. Hơn thế, tỷ lệ gia đình văn hóa tăng từ 89,9% năm 2009 lên 93% năm 2010, khu dân cư tiên tiến tăng từ 6 lên 9 khu, trong đó có 4 khu văn hóa. Cũng trong năm 2010, phường có thêm 3 nhà văn hóa được xây dựng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, nâng số nhà văn hóa của phường lên 8 nhà. Đáng nói là các nhà văn hóa được khai thác tối đa công năng phục vụ cho hoạt động của các hội, đoàn thể, cho nhu cầu đọc sách báo, học tập, luyện tập thể dục, thể thao, tổ chức sự kiện…
Xây dựng mô hình "Xã văn hóa" ở Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cũng đã đạt được những thành công đáng kể. Ông Tạ Đình Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng khẳng định: 9/9 làng văn hóa ở Tư Mại đã giữ vững danh hiệu với số hộ gia đình văn hóa đạt 85-88%, 100% số thôn có đội văn nghệ hoạt động đều đặn, không có người vi phạm pháp luật… Còn ở 21 tỉnh, thành phía Nam, mô hình này đã tạo nên 334 xã, 112 phường văn hóa.
Cần có hướng dẫn
Dù đã triển khai xây dựng mô hình xã, phường văn hóa trên phạm vi cả nước gần 10 năm, đến nay vẫn chưa có một quy chế chung nhằm hướng dẫn việc thực hiện mô hình thì quả là điều phi lý. Dù trao đổi qua điện thoại, song ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Cần Thơ vẫn không giấu nổi bức xúc. Ông cho biết: Tiêu chí xây dựng xã, phường văn hóa ở phía Nam không tỉnh nào giống tỉnh nào. Nếu như Hậu Giang đề cao tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa thì Cần Thơ lại coi trọng việc xây dựng đường giao thông nông thôn và cảnh quan môi trường. "Đây là mô hình hay, nếu không có hướng dẫn chung sẽ không tránh khỏi việc các địa phương xây dựng tiêu chí không phù hợp, đưa phong trào phát triển chệch hướng, tự phát" - ông Khanh nhấn mạnh.
Cũng do chưa có hướng dẫn chung nên quận Tây Hồ ban hành Quy chế xây dựng "Phường văn hóa" dựa trên các tiêu chí của khu dân cư, tổ dân phố văn hóa, chỉ khác là đặt mục tiêu cao hơn, như: Có 100 hộ gia đình, khu dân cư, tổ dân phố đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và có ít nhất 85% số hộ, 75% số tổ và 60% số khu được công nhận; 100% khu dân cư có địa điểm sinh hoạt văn hóa công cộng; giữ vững chuẩn quốc gia về y tế; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về nếp sống văn minh…
Qua thực tế triển khai xây dựng mô hình này ở các địa phương, có thể thấy đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, cũng là bước phát triển tất yếu của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", do đó rất cần có quy chế chung do Bộ VH,TT&DL ban hành để các địa phương theo đó làm căn cứ thực hiện.