Bài 4: Sức lan tỏa của “Ba nhất”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:41, 22/12/2010

(HNM) - Tại Đại hội Thi đua yêu nước năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải. Nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong. Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ Ba nhất. Công - nông - binh đại thi đua, đại đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công, Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất, non sông một nhà".



Phong trào thi đua "Ba nhất" là nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất. "Ba nhất" không chỉ lôi cuốn tất cả các đơn vị trong toàn quân tham gia mà còn lan tỏa ra nhiều địa phương, đơn vị, góp phần to lớn củng cố khối đoàn kết công - nông - binh.

Vừa tới cổng Trung đoàn 68 Pháo binh, phóng viên Báo Hànộimới đã nhận ra người quen, đó là sỹ quan trực chỉ huy - Thiếu tá Đặng Văn Chiến. Đây từng là nhân vật trong loạt phóng sự về Trường Sa trong chuyến đi 33 ngày trên biển mang Tết ra Trường Sa, đăng trên Báo Hànộimới đầu năm 2009.

Thiếu tá Đặng Văn Chiến - tấm gương mẫu mực của đơn vị “Ba nhất” hôm nay.

Thiếu tá Đặng Văn Chiến tâm sự: "Vinh dự cho chúng tôi, những người lính được Tổ quốc giao phó canh giữ một vị trí tiền tiêu trên biển trời. Hai năm làm nhiệm vụ trên đảo, chúng tôi càng ý thức được rằng mảnh đất dưới chân mình mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Riêng tôi, ra đảo xa làm nhiệm vụ với một tâm thế của người lính "Ba nhất" nên càng thấy vinh dự và tự hào". Sau này, được biết Thiếu tá Đặng Văn Chiến là người con của quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn" - Ứng Hòa, Hà Nội. Theo lời anh em, Thiếu tá Chiến luôn gương mẫu đi đầu các phong trào thi đua trong đơn vị.

Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ từ cái nôi "Ba nhất" hôm nay, trong rất nhiều tấm gương của người chiến sỹ "Ba nhất". Anh Chiến kể, ngày ấy ở Trung đoàn 68, phong trào thi đua "Đuổi, đạt và vượt Đại đội Ba nhất"; các phong trào "Pháo thủ toàn năng", "Ba cùng" (cán bộ xuống làm chiến sỹ, chính ủy xuống làm bí thư chi bộ…) nở rộ như hoa mùa xuân. Sôi nổi nhất vẫn là phong trào "Ba không" (không để thời gian chết, không để cán bộ nhắc, không để pháo và khí tài rảnh). Tại Đại hội Thi đua toàn quân, Trung đoàn vinh dự được lên báo cáo. Thiếu tướng Trần Văn Quang, Phó Tổng Tham mưu trưởng đã nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương thành tích của Trung đoàn 68, nơi luôn có phong trào thi đua sôi nổi và có nhiều sáng kiến, trong đó có việc thực nghiệm thành công chiến thuật cơ động pháo cối trên đồng lầy.

Những ngày đó, phong trào thi đua cùng "Ba nhất" có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong các đơn vị quân đội mà đã thực sự "ngấm" tới nhiều cơ quan, xí nghiệp, địa phương... Nhiều nơi tổ chức ký kết giao ước thi đua, bắt tay cùng đơn vị "Ba nhất". Bản giao ước thi đua của công nhân mỏ than Cọc 6 ghi: "Chúng tôi, cán bộ và công nhân công trường Cọc 6 gồm 5 đơn vị bắt tay giao ước thi đua với Đại đội 2 "Ba nhất" và Chi đoàn 2 "Ba nhất" những nội dung và chỉ tiêu sau đây: Giáo dục cho toàn thể cán bộ công nhân và ĐVTN có một tư tưởng "rẽ sóng ra khơi", chống tư tưởng "nước chảy bèo trôi". Quyết tâm giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của toàn công trường mà Khu ủy khu mỏ Hồng Quảng đã tặng cho phong trào thi đua phá kỷ lục vừa qua...". Tập thể những người nông dân xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông) thể hiện quyết tâm: "Nhận giao ước thi đua với đơn vị "Ba nhất" như sau: Từ nay đến cuối năm 1960 chúng tôi sẽ hoàn thành hợp tác hóa nông thôn, ra sức phấn đấu vượt mọi khó khăn để giành vụ mùa đại thắng lợi vượt bậc toàn diện và vững chắc"...

Trải qua các cuộc kháng chiến, Trung đoàn 68 đã tham gia 2.000 trận đánh, trực tiếp và góp phần tiêu diệt, bắt sống 2 vạn tên địch, bắn cháy và bắn chìm 7 canô, tàu chiến, phá hỏng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, khẩu pháo, hàng chục máy bay các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Trả lời câu hỏi của chúng tôi là làm thế nào để giữ vững, phát huy truyền thống của một đơn vị anh hùng, Đại tá Phạm Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn khẳng định: "Với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Pháo binh 68 luôn phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng với 8 chữ vàng: "Chủ động - Kiên cường - Đánh giỏi - Bắn trúng". 5 năm liên tục (2004-2009) Trung đoàn đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh và đơn vị vững mạnh toàn diện. Thượng tá Trần Khánh Tân, Chính ủy Trung đoàn 68 khẳng định: "Tình hình cách mạng hiện nay đặt ra cho đơn vị những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng những chiến sỹ "Ba nhất" sẽ nỗ lực để giữ vững truyền thống đơn vị anh hùng".

Ngân Hạ