Ngọc Quy bay bổng với nhạc trữ tình trong mùa Giáng Sinh

Giải trí - Ngày đăng : 17:15, 21/12/2010

(HNMO)- Ca sỹ Ngọc Quy vừa cho ra mắt album thứ 2 của mình mang tên “Hồn có mơ xa

Ca sỹ Ngọc Quy

(HNMO)- Ca sỹ Ngọc Quy vừa cho ra mắt album thứ 2 của mình mang tên “Hồn có mơ xa" đúng vào dịp lễ Giáng Sinh 2010. Album vẫn giữ phong cách của anh với các ca khúc trữ tình lãng mạn, gồm 9 ca khúc trữ tình, tiền chiến: Hà Nội thu nhớ(Phạm Vinh), Lá thư (Đoàn Chuẩn- Từ Linh), Mùa thu không trở lại (Phạm Trọng Cầu), Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Em đến thăm anh một chiều mưa(Tô Vũ), Nỗi lòng (Nguyễn Văn Khánh), Gửi gió cho mây ngàn bay (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Hương xưa (Cung Tiến), Biệt Ly (Dzoãn Mẫn)…

"Hồn có mơ xa" của Ngọc Quy là câu chuyện tình được viết bằng âm nhạc, nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng. Album 2 thực hiện trong vòng 2 tháng. Có thể nói là thời gian rất nhanh cho 1 album. Nhưng với Quy thì thời gian chuẩn bị lại... khá lâu, chỉ khi hoàn thiện ý tưởng và tạo ra sự khác biệt mới cho ra sản phẩm mới. Sau album 1 đến album 2 là khoảng thời gian gần 3 năm. 


Hiện nay bên cạnh những dòng nhạc khác thì phong cách nhạc trữ tình lãng mạn luôn được nhiều người yêu nhạc đón nhận bởi nó luôn truyền tải được chiều sâu tình cảm, những giây phút thăng hoa của tình yêu một cách gần gũi, dung dị và nhẹ nhàng. Có thể nói Quy đã thử nghiệm với một số phong cách âm nhạc nhưng anh được định hình với phong cách âm nhạc trữ tình tiền chiến nhiều năm nay. Ngọc Quy là một trong ít những ca sĩ ra album ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Với album đầu tay (năm 2007) "Bao giờ cho tôi quên" gồm 8 ca khúc mang âm hưởng trữ tình lãng mạn, những ca khúc đã rất nổi tiếng từ nhiều thập niên và cho tới nay vẫn được yêu mến. Với album đầu tay Ngọc Quy đã được đón nhận bởi anh có vốn kỹ thuật thanh nhạc cổ điển hoàn hảo, sở hữu một chất giọng nam trung trầm, ấm áp, truyền cảm.

Ngọc Quy được đánh giá là ca sĩ có giọng Bariton (nam trung) đẹp nhất hiện nay. Nhiều năm nay Quy hát đều đặn ở các phòng trà, trên sóng truyền hình, phát thanh (Ngọc Quy hiện là ca sĩ của Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam). Và giai đoạn này có thể gọi là thời điểm sung sức nhất của giọng hát, cảm xúc dồi dào Quy quyết định ra mắt album 2. Quy cho biết: "Nếu không có cái gì mới, không "chín" hơn về nghề thì không dám xuất hiện sản phẩm âm nhạc mới". Bạn bè đồng nghiệp thường đứng chung sân khấu với Quy nhận xét: "Nếu chỉ như một cái máy mà lăn thì Quy không đắt sô như thế ở các phòng trà. Sân khấu phòng trà rất khắc nghiệt- khán giả ít, sân khấu phòng trà ở Hà Nội lại càng ít. Khán giả tuy ít nhưng đến để nghe chứ không đến để xem." 


Nói về khả năng sử dụng kỹ thuật thanh nhạc cổ điển của Quy thì có thể nói Quy đã tận dụng được thế mạnh của mình. Thường thì người ta dùng kỹ thuật thanh nhạc cổ điển để hát tiếng Ý, la tinh, Pháp, Nga ... Song để các ca sĩ hát ca khúc Việt Nam thì đôi khi điều này lại làm hại ca sĩ vì đặc điểm ngữ âm của ngôn ngữ châu Âu rất khác với tiếng Việt. Ngôn ngữ châu Âu là ngôn ngữ đa âm, trong 1 từ có trọng âm từ và trọng âm câu... nên nó tạo ra ngữ điệu. Tiếng Việt ngôn ngữ đơn âm và có âm điệu cho từng từ. Bởi điều này nên ca sĩ xử lý rất khó…. Để áp dụng kỹ thuật này vào hát nhạc Việt Nam, có cảm giác ca sĩ thò đầu vào cái vại hát (giọng ồm ồm)… khiến bài hát bị méo mó. MC Nguyễn Hữu chiến Thắng, một người bạn, một người luôn sát cánh bên Ngọc Quy trên nhiều sân khấu đã nhận xét: "Thời gian gần đây Quy hát phê hơn. Cảm xúc thâm thúy hơn, sâu sắc hơn nên hát khác thời điểm mới xuất hiện. Cộng với kỹ thuật thanh nhạc của Quy thực sự tốt, một thẩm mỹ âm nhạc cực kỳ tinh tế khiến bài hát được thể hiện đạt hiệu quả cao. Ví dụ cùng một bài hát với 2 ca sĩ thể hiện thì họ cảm nhận bài hát đó một chín một mười nhưng kỹ thuật để chuyển tải cảm xúc khác nhau khiến người nghe thấy vênh nhau... Có người gân cổ, có người hát nhẹ như lông hồng… có thể xuống trầm dầy hoặc nhẹ nhàng… Bởi có những nỗi buồn chỉ cần thể hiện nhẹ nhàng, thanh thoát... Và có thể chính tôi cũng cảm nhận được điều đó, nhưng muốn thể hiện được lại không đủ kỹ thuật để chuyển tải nó. Quy làm được điều này. Quy xử lý tiếng Việt tinh tế, phong phú với từng bài hát, hát từ nào ra từ đó, gọn gẽ, đẹp đẽ và sang trọng…Chính kỹ thuật Tây đã làm đẹp ngôn ngữ Việt Nam, giúp nó bay bổng…Có những nốt Quy xử lý hát nhỏ và mảnh nhưng lại truyền tải được sức nặng và chiều sâu của cảm xúc như một sợi chỉ cứa vào tâm hồn. Hát ra được điều này quả là rất khó. Và Quy hát tự nhiên như hơi thở. Tôi tin khán giả tinh tế sẽ thích cách hát của Quy." 

Tuyết Minh