VN cần tiếp tục gỡ “nút thắt”, đầu tư cho CSHT và năng lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 15:19, 21/12/2010
(HNMO) – Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Việt Nam – Hank Tomlinson đã từng bày tỏ: “Nhiều nhà đầu tư tiềm năng của Mỹ đã nêu các lý do hạn chế về cơ sở hạ tầng (CSHT) và hậu cần yếu kém như là nguyên nhân chính dẫn đến việc họ không đầu tư vào Việt Nam. Khi Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ về vấn đề cơ sở hạ tầng thì chính Việt Nam đã bị tụt hậu”.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam – Brian O’Reilly cũng nhận định: “Sự phát triển kinh tế ở Việt Nam đã tạo ra một áp lực lớn và ngày càng tăng đến cơ sở hạ tầng. Những vấn đề này vẫn tồn tại dai dẳng và trong một số trường hợp, góp phần gây ra sự tắc nghẽn giao thông. Thiếu hụt năng lượng cũng là một vấn đề quan trọng. Tất cả những điều này làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng lên. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến hình thức đối tác công - tư. Mô hình đối tác công – tư bao gồm thành phần doanh nghiệp ngoài quốc doanh, sẽ góp phần quan trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Nhằm giải quyết phần nào những vấn đề này, chúng ta cần cải thiện những thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các dự án và hợp đồng”…
Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội với chiều dài 12,5 km, đi qua 5 quận, huyện, là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội được khởi công vào ngày 25/9/2010.
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Alain Cany – Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam nhận định: Việt Nam được dự kiến cần khoảng 70 – 80 tỷ USD để đầu tư riêng vào cơ sở hạ tầng cho đường bộ, đường xe lửa và cảng biển trong 5 đến 10 năm tới và hơn 120 tỷ USD nếu gồm cả cơ sở hạ tầng cho năng lượng. Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những nhiệm vụ chính của Việt Nam để đạt được sức cạnh tranh khu vực và hội nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong thời gian qua, về cơ sở hạ tầng cho cảng biển, các nhà đầu tư đã ghi nhận tiến trình chuyển biến tốt ở cảng biển Cái Mép và cảng Thị Vải với độ nạo vét sâu 14m sẽ giúp những cảng này đạt gần bằng tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ông Alain Cany cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về cảng biển. Việt Nam cần 4-5 cảng biển tốt ở phía Nam, 2- 3 cảng biển lớn tại phía Bắc và có thể 1 – 2 cảng biển tại miền Trung. Như vậy, với khoảng 11- 12 cảng biển tốt, sẽ hoạt động hiệu quả hơn là 50 – 60 cảng biển nhỏ nằm rải rác tại các tỉnh khác nhau.
Bàn về vấn đề tài chính cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ông Alain Cany cho rằng, cùng với hướng phát triển của Việt Nam, các dự án kinh tế có sự tham gia của các chuyên gia về kỹ thuật và tài chính của khu vực tư nhân nước ngoài sẽ là yếu tố chính để giúp Việt Nam theo kịp các yêu cầu lớn về cơ sở hạ tầng và năng lượng. Các dự án đối thoại công - tư sẽ là nhân tố quan trọng chính để nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam khi đất nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ quan tâm đầu tư vào dự án đối tác công - tư khi họ có thể yên tâm về nguồn thu hợp lý cho khoản đầu tư của họ.
Mặt khác, về nguồn cung năng lượng, các chuyên gia quốc tế tính toán, công suất hiện có của Việt Nam chỉ đạt trên khoảng 18.500 MW và sản lượng điện hàng năm xấp xỉ khoảng 95.000 GWh. Với mức trung bình trên 1.000 Kwh/người, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ điện thấp nhất Châu Á. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6- 7% hàng năm, lượng điện tiêu thụ sẽ nhanh chóng tăng từ 12 -15% hàng năm. Việc xây dựng các nhà máy điện mới tại Việt Nam chưa bắt kịp với nhu cầu và dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn cung, đặc biệt khi nhu cầu đạt đỉnh điểm. Tình trạng này càng trầm trọng hơn trong mùa khô, do các nhà máy thủy điện chỉ hoạt động 40% công suất thiết kế.
“Điều đó cho thấy, đầu tư tư nhân độc lập sẽ cần thiết trong các năm tới. Điều quan trọng là khung khổ pháp lý cần được hoàn thiện hơn để thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Đặc biệt, Việt Nam cần giảm sự độc quyền của EVN bằng cách cho phép các công ty khác hoạt động trên thị trường để đảm bảo việc sớm hình thành một thị trường cạnh tranh hoàn hảo trong việc sản xuất điện, bán lẻ và bán buôn theo như kế hoạch (đến năm 2024). Chúng tôi lưu ý rằng giá điện hiện tại là quá thấp để thu hút các nhà đầu tư trong ngành năng lượng và điện” – ông Alain Cany khẳng định.
Những ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế trên đã được kiến nghị lên Chính phủ Việt Nam trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam mới diễn ra ở Hà Nội. Việt Nam cần tiếp tục cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng là 1 trong 5 giải pháp hàng đầu (cùng với việc tiếp tục cải cách hành chính; ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng; cải cách việc soạn thảo và ban hành văn bản pháp quy; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái); Chính phủ cần thực hiện ngay để cải thiện môi trường kinh doanh đã được các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế ở Việt Nam đồng thuận đề xuất.