Làn sóng dịch chuyển đầu tư vào ngành dệt may
Kinh tế - Ngày đăng : 07:52, 21/12/2010
Sản xuất tại Công ty Everpia Việt Nam (Everon) 100% vốn Hàn Quốc.Ảnh: Bảo Lâm
Còn với nhà máy may, vốn đầu tư giai đoạn đầu khoảng 60 triệu USD, dự kiến doanh thu 370 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho 8.000 lao động. Được biết, cả 4 nhà đầu tư nói trên đều có tiềm lực tài chính khá mạnh và có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dệt may (DM). Nếu dự án này trở thành hiện thực sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho DN trong nước lâu nay vốn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Công ty TNHH DM Eclat (Đài Loan, Trung Quốc) đã có nhà máy tại khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đang tính toán đầu tư gần 2,5 triệu USD cho một nhà máy may tại Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm may mặc, dệt kim và áo thun mang thương hiệu Polo, sản lượng dự kiến khoảng 3,5 triệu chiếc/năm; đồng thời, dự định đầu tư thêm 4 triệu USD để xây dựng nhà máy may mới, công suất 2,5 triệu sản phẩm/năm. Trong khi đó, Vụ châu Á và châu Phi (Bộ Ngoại thương Triều Tiên) cũng cho biết, để thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực DM, phía Triều Tiên muốn tìm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực trồng dâu, nuôi tằm và sản xuất sợi. Nếu dự án này được khởi động, phía Triều Tiên sẽ cung cấp máy móc và công nghệ, còn Việt Nam sẽ đầu tư nhà xưởng, nguồn lao động.
Theo Hiệp hội DM Việt Nam, phần lớn là các nhà đầu tư đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… Một trong những nguyên nhân khiến làn sóng đầu tư vào ngành DM nước ta trở nên dồn dập trong thời gian gần đây là do chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc dẫn đến việc các nhà nhập khẩu nước ngoài chuyển đơn hàng sang nước có chi phí thấp hơn. Đây không chỉ là xu hướng của DN xuất khẩu mà ngay cả DN sản xuất hàng tiêu thụ nội địa của Trung Quốc cũng đang tính đến. Việc Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh cơ cấu sản xuất, ưu tiên phát triển sản phẩm công nghệ cao, áp dụng chính sách bảo vệ môi trường cũng thúc đẩy các DN, nhà nhập khẩu ngành DM nước này sớm tìm nơi "lạc nghiệp" mới.
Có thể thấy, việc xuất hiện làn sóng đầu tư mới vào ngành DM đang đặt ra nhiều cơ hội để phát triển ngành nguyên phụ liệu vốn đang cần đầu tư. Các DN có nhiều đơn hàng để lựa chọn. Tuy nhiên, liên quan tới lĩnh vực dệt, nhuộm thì vấn đề bảo vệ môi trường cần được đặt lên hàng đầu. Việc có thêm nhiều DN nước ngoài đầu tư vào ngành may đồng nghĩa với việc tăng thêm áp lực cạnh tranh trong thu hút lao động. Khó khăn mà các DN đã gặp phải trong năm 2010 và tiếp tục phải đối mặt trong năm 2011 là nguồn nhân lực. Hệ lụy của tình trạng này là DN rơi vào thế bị động, luôn lo bị phạt và mất hợp đồng vì giao hàng chậm. Nhiều DN không dám nhận thêm đơn hàng, không mở rộng được quy mô sản xuất vì không có lao động... Để ngành DM phát triển bền vững và tận dụng triệt để những cơ hội trong thời kỳ hội nhập, rất cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn đề này.