Lời cảnh báo khắc nghiệt

Giáo dục - Ngày đăng : 07:49, 21/12/2010

(HNM) - Không phải đến tận bây giờ, chất lượng đào tạo của hệ tại chức mới bị đặt thành vấn đề. Việc UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước chẳng qua chỉ là lần đầu tiên một đơn vị

Lớp học của sinh viên năm thứ 3 khoa Xây dựng hệ tại chức của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Như Hùng


Từ một quyết định
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra dự thảo quy chế tuyển sinh hệ vừa làm vừa học (tại chức) để lấy ý kiến đóng góp. Trong đó, điểm đáng lưu ý là quy chế này bỏ đi quy định thi chung đề, chung đợt trên phạm vi cả nước với hệ tại chức. Thay vào đó, hiệu trưởng là người quyết định lịch thi của hệ này.

Một mặt, quy định nói trên giúp các trường tăng quyền chủ động trong tuyển sinh, vốn là nỗi "khát khao" vẫn được các trường nêu ra bấy lâu. Mặt khác, nhiều người cho rằng sự "chủ động" dễ đưa tới hậu quả với  thiếu giám sát chặt chẽ dẫn tới sự chênh lệch về chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra của hệ vừa làm vừa học với hệ đào tạo chính quy, mà việc "tẩy chay" tuyển dụng đối với người tốt nghiệp hệ tại chức của UBND thành phố Đà Nẵng là một cảnh báo.

Quyết định của Đà Nẵng không tuyển dụng SV tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước đã bị phản ứng khá mạnh. Nhiều người cho rằng làm như thế là kỳ thị, đi ngược lại với chủ trương học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, thậm chí vi phạm Luật Giáo dục và quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức. Còn các ý kiến đồng tình với Đà Nẵng đều tập trung vào nỗi lo về chất lượng đào tạo của hệ tại chức. Để tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ quan công quyền phải lựa chọn SV từ hệ chính quy bởi mặt bằng chất lượng của loại hình này cao hơn.

Trên thực tế, trong các thông báo tuyển dụng, từ lâu nay nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn đưa ra các tiêu chuẩn để sàng lọc đầu vào có chất lượng cao. Trong đó, tiêu chuẩn "tốt nghiệp ĐH hệ chính quy" thường xuất hiện trước tiên, tiếp theo là các yêu cầu như: bằng khá, giỏi, thông thạo ngoại ngữ, vi tính... Ngay trong ngành giáo dục, tiêu chuẩn đối với cán bộ của ngành mà Bộ GD-ĐT quy định cũng có tiêu chí: tốt nghiệp ĐH hệ chính quy khá, giỏi. Nhiều người cho rằng, đó là quyền tuyển chọn của nhà tuyển dụng và loại bằng cấp là một tiêu chí cơ bản được xét đến.

Nhu cầu của ai?
Hiện cả nước có khoảng 2 triệu người học ĐH, trong đó, SV không chính quy chiếm tới 50%. Nói về con số này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng cũng không phải quá nhiều. Ông cũng cho biết, Bộ đã giảm dần chỉ tiêu của loại hình đào tạo không chính quy với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH. Riêng với tại chức, ông cho biết lượng SV tại chức đang càng ngày càng giảm mà không cần tới việc áp dụng quy định nào, bởi "SV bây giờ có nhiều chỗ học nên cũng không mặn mà tại chức, việc giảm là đương nhiên".

Khi được hỏi về việc Bộ GD-ĐT có quy định gì về tỷ lệ SV chính quy và tại chức để bảo đảm sự đầu tư cho loại hình chính quy không bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Trước tiên, Bộ xác định các điều kiện bảo đảm chất lượng rất chặt chẽ rồi mới cấp cho các trường chỉ tiêu SV chính quy. Rồi trên cơ sở đó mới xác định chỉ tiêu đào tạo không chính quy (bao gồm cả tại chức, bằng hai, liên thông...) một số lượng với tỷ lệ thấp hơn 50%, 60% hay 90% so với quy mô hệ chính quy, tùy năng lực, điều kiện của từng trường.

Quy trình xác định chỉ tiêu được Bộ đưa ra như vậy, song trên thực tế, theo ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã tự ý tuyển sinh vượt chỉ tiêu để tăng thu nhập, Thanh tra Bộ đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở đào tạo tại chức sai quy định.

Sự "bung nở" của loại hình tại chức, ngoài việc giải quyết vấn đề thu nhập cho các trường,  cũng phản ánh một thực tế khác, đó là nhu cầu rất lớn của người học. Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng khiến cho chất lượng đầu ra của đào tạo tại chức bị đánh giá là yếu kém, là đầu vào của loại hình này đã bị biến tướng. Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, mục đích ban đầu của hệ đào tạo tại chức là nâng cao, bổ sung kiến thức cho những người đã có thâm niên làm việc. Thế nhưng, hiện nay, hệ tại chức chủ yếu phục vụ những đối tượng chạy theo bằng cấp, có bằng để xin việc, để hợp thức hóa các quy định về tuyển dụng. Về đối tượng đào tạo, thay vì dành chỗ cho những người đang đi làm, hệ tại chức lại là nơi trú chân của các học sinh không thi đỗ ĐH.

Trong khi đó, loại hình đào tạo tại chức có vai trò quan trọng, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, góp phần phát triển đất nước. Thế nhưng, thay vì đáp ứng nhu cầu cho xã hội, hệ đào tạo tại chức hiện nay chủ yếu đáp ứng nhu cầu của người học. Việc thiếu quản lý chặt chẽ đã khiến xã hội cũng như chính loại hình này đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Việc giải bài toán bảo đảm chất lượng và đáp ứng hài hòa nhu cầu của người học, của xã hội trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết.

Quỳnh Phạm