Bộ sách “Nhà văn của em”: Hỉểu thêm để yêu thêm

Văn hóa - Ngày đăng : 14:43, 20/12/2010

(HNMO) - Với việc giành 5 giải thưởng trong danh mục sách hay, sách đẹp Việt Nam 2010 của Hội xuất bản Việt Nam, trong đó “đáng nể” nhất là bộ sách “Nhà văn của em” đoạt giải vàng cho danh mục sách hay, NXB Kim Đồng đã khẳng định được một điều, rằng: Sách cho thiếu nhi đang được đầu tư thích đáng và có chiều sâu.

5 tác phẩm trong bộ sách "Nhà văn của em" đoạt giải thưởng sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam



* Để trẻ em gần gũi văn học hơn

Giải thưởng sách hay, sách đẹp của Hội xuất bản được tổ chức hàng năm để tôn vinh công việc làm sách của các NXB. Năm nay, có 7 giải vàng cho danh mục sách hay, trong đó văn học giành cho thiếu nhi chiếm 2 giải. Một, là “Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi” của NXB Trẻ. Và hai, là bộ sách “Nhà văn của em” của NXB Kim Đồng do các tác giả Nguyễn Huy Thắng, Cao Đắc Điểm, Ngô Thị Thanh Lịch, Lê Thanh Nga, Trần Thị Hồng và Nguyễn Thị Nhã Nam thực hiện.

Bộ sách “Nhà văn của em” của NXB Kim Đồng được giải thưởng gồm 5 cuốn: “Nguyễn Huy Tưởng - Người viết sử bằng văn chương”, “Ngô Tất Tố - Nghề báo, nghiệp văn”, “Nguyên Hồng – Nhà văn của những người cùng khổ”, “Nam Cao – Nhà văn của những kiếp sống mòn”, “Hoài Thanh - Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”

Ngay từ hình thức, bộ sách “Nhà văn của em” đã tạo cho người đọc một cách tiếp cận dễ hiểu, dễ nhớ. Mỗi một cuốn sách dày trên dưới 50 trang, với thiết kế bề ngoài theo một phong cách xuyên suốt. Bao giờ cũng là chân dung của nhà văn được đề cập đến và một hàng tít nêu bật đặc trưng sáng tác của nhà văn đó. Ví như Nguyễn Huy Tưởng được khái quát bằng câu “Người viết sử bằng văn chương”, Nguyên Hồng – “Nhà văn của những người cùng khổ”, Hoài Thanh – “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”…

Cuốn sách "Nguyễn Huy Tưởng - Người viết sử bằng văn chương" do chính con trai nhà văn, ông Nguyễn Huy Thắng biên soạn



Lật giở từng trang sách, nội dung của mỗi cuốn sách trong bộ sách “Nhà văn của em” cũng đưa đến một cách tiếp cận có tính gợi mở để người đọc đến gần hơn với nhà văn. Vì đây là tác phẩm dành cho trẻ em nên những người làm sách chẳng ôm đồm đưa nhiều thông tin mang nặng tính học thuật như những cuốn chuyên khảo. Nội dung các cuốn trong bộ sách “Nhà văn của em” đơn thuần là những phần nói về quê hương, gia đình nhà văn, con đường đến với văn chương của mỗi người, các chặng đường sáng tác trải qua, các tác phẩm tiêu biểu, một số nét đặc trưng trong phong cách của mỗi tác giả…

Kèm theo đó là những hình ảnh nhà văn khi còn nhỏ hoặc qua các thời kỳ, trang viết đầu tay, các tập bản thảo, những trang bút tích đặc biệt như nhật ký, thư từ, và tất nhiên, hình ảnh những cuốn sách từng làm say lòng bao thế hệ bạn đọc…

Thông qua những hình ảnh rất đỗi gần gũi mà có nhiều sức gợi ấy, các bạn đọc nhỏ tuổi có thể hình dung được một cách khái quát nhất nhưng cũng khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp, đặc trưng sáng tác của nhà văn mình yêu thích. Mà không chỉ các em, ngay cả người lớn cũng tìm thấy không ít điều lý thú qua những tư liệu quý hiếm giờ đây mới được tiếp cận.

Các em hẳn rất bất ngờ khi thấy hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng khi viết xong tiểu thuyết Bỉ vỏ trông chẳng khác nào một cậu bé con đang bá vai một cậu bé khác, và cả hai cùng… cởi trẩn; tấm thẻ nhà báo do Nông Công Thương báo cấp cho nhà văn Vũ Trọng Phụng năm 1932, khi nhà văn 20 tuổi, đội khăn xếp như một… ông phán thời xưa. Và hẳn rất cảm động khi được thấy một trang bút tích của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết năm 18 tuổi, dù chỉ để lưu lại những kỷ niệm của riêng mình mà cũng đầy những chỗ gạch xóa…

Nói về việc biên soạn bộ “Nhà văn của em”, ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng cho biết: Mục đích của NXB Kim Đồng khi biên soạn bộ sách này là đưa văn học đến gần với các em thiếu nhi hơn. Muốn cho các em yêu văn học thì phải làm cho các em hiểu tác phẩm. Muốn cho các em hiểu tác phẩm thì phải làm cho các em hiểu tác giả. Các nhà văn lớn đều là những nhân cách lớn. Tiếp cận với những nhân cách ấy, chắc chắn các em sẽ có được những cảm nhận tốt đẹp về nhà văn, những hiểu biết sâu sắc về tác phẩm. Và càng thêm hiểu thì các em sẽ càng thêm yêu văn học.

* Xứng đáng giải vàng

Để thực hiện được khoảng 50 trang nội dung trong mỗi cuốn sách, là cả một quá trình đầu tư công phu của những người biên soạn. Bởi ấn chứa bên trong phương thức trình bày giản dị là sự tích hợp thông tin rất hiệu quả. Có thể nói bộ sách “Nhà văn của em” cho người đọc rất nhiều phương diện tiếp cận: cả đọc và xem, cả trực quan và liên tưởng với những hình ảnh, lời bình vừa chỉn chu vừa mang tính thẩm mỹ cao.

Ông Nguyễn Huy Thắng, người rất có tâm huyết với bộ sách này, cho biết: Ý tưởng thực hiện bộ sách “Nhà văn của em” đã hình thành từ rất lâu, khi NXB Kim Đồng thực hiện một cuốn sách ảnh về nhạc sỹ Phạm Tuyên. Với niềm say mê văn học và cũng là sự thừa hưởng nỗi trăn trở việc làm sách cho trẻ em từ cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, vị giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng, ông Thắng quyết định thực hiện bộ sách chân dung các nhà văn nổi tiếng Việt Nam theo một cách riêng: có cả “kênh chữ” và “kênh hình”.

Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia, ông Thắng còn trực tiếp biên soạn cuốn đầu tiên: “Nguyễn Huy Tưởng - Người viết sử bằng văn chương”. Ông tin rằng, từ những tư liệu vẫn nằm sâu trong lưu trữ của gia đình, nếu biết cách khai thác, những tư liệu đó sẽ cất lên tiếng nói, chia sẻ với mọi người những điều có tính thuyết phục cao bởi tính xác thực của tư liệu. Quả là, những trang viết, hình ảnh về Nguyễn Huy Tưởng trong cuốn sách do ông Thắng biên soạn đã cho người đọc thấy được khá rõ nét chân dung một nhà văn – “người viết sử bằng văn chương” Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn đó, ở tuổi 20 đã tâm niệm: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được, mà cầy ruộng nào cũng được”, như chính dòng bút tích viết năm 1932 của ông được in kèm.

“Đồng thanh tương ứng”, ý tưởng về bộ sách của ông Thắng đã được nhiều gia đình nhà văn nhiệt liệt ủng hộ, chung tay đóng góp. Với sự trực tiếp tham gia của ông bà Cao Đắc Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch (con rể và con gái nhà văn Ngô Tất Tố), cuốn sách “Ngô Tất Tố - Nghề báo , nghiệp văn” được hoàn thành sau đó. Tiếp đến là cuốn “Nguyên Hồng – Nhà văn của những người cùng khổ” cũng được hoàn tất với sự cộng tác của bà Nguyên Thị Nhã Nam, con gái nhà văn Nguyên Hồng…

Rồi, không bó hẹp trong phạm vi các gia đình nhà văn, những người “trong cuộc”, ý tưởng bộ sách đã được cả những người làm sách “chuyên nghiệp” tiếp nối, từ một nhà nghiên cứu ngoài Hà Nội đến một nhà báo ở Miền Nam… Với cách làm đó, bộ sách “Nhà văn của em” ngày một dày lên và đến nay đã có trên 10 cuốn về các nhà văn nổi tiếng Việt Nam đã và đang chuẩn bị ra mắt.

Nói về chặng đường làm tủ sách “Nhà văn của em”, ông Thắng tâm sự: “Điều khó khăn nhất khi thực hiện bộ sách là vấn đề tư liệu, đặc biệt là tư liệu hình ảnh. Chúng tôi đã có nhiều cách thực hiện việc này, đầu tiên là đến các gia đình nhà văn, tìm nguồn trên internet, tiếp cận những người chuyên nghiên cứu về nhà văn, và cả những người chơi sách, yêu sách, như nhóm diễn đàn Sachxua.net…”.

Sự kỳ công trong việc thực hiện bộ sách “Nhà văn của em” có thể coi là một hướng đi mới đầy quả quyết của NXB Kim Đồng trong việc làm sách cho thiếu nhi – những cuốn sách đòi hỏi sự công phu không khác gì sách cho người lớn. Việc bộ sách được giải Vàng dành cho “Sách Hay” của ngành xuất bản Việt Nam quả là điều dễ hiểu!

Hoàng Lân