An Khánh - Từ ngày làng lên phố...

Đời sống - Ngày đăng : 08:20, 19/12/2010

(HNM) - Giống như nhiều làng quê ven đô khác, An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) trước đây cũng yên bình với cây đa - bến nước - sân đình, với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Nhưng giờ đây sự yên bình ấy đang mất dần theo quá trình phát triển kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, đô thị.

Nhà cao tầng nhiều như nấm ở thôn An Thọ, xã An Khánh.


Xã "triệu phú"
Con đường từ Đại lộ Thăng Long dẫn vào xã An Khánh lổn nhổn những ổ trâu, vết bánh xe ô tô hằn dọc ngang mặt đất, bụi mù trời. Nhưng đi sâu vào xã An Khánh lại có một cảnh tượng khác lạ. Tuy thuộc vùng nông thôn, nhưng An Khánh mới mọc lên nhiều tòa nhà sừng sững, bề thế như những biệt thự nơi phố thị. Tốc độ đô thị hóa, đã gõ cửa đến từng gia đình.

Chúng tôi tìm đến thôn An Thọ và thực sự ngạc nhiên bởi những ngôi nhà 2-3 tầng nhiều như nấm. Bà Nguyễn Thị Thành, 50 tuổi, bán quán nước ở đầu thôn cho biết: "Những ngôi nhà này chủ yếu được xây dựng từ tiền đền bù ruộng. Nhà nào cũng được đền bù, ít thì 2 sào, nhiều thì cả mẫu". Tuy nhiên, theo bà Thành, thường khi nhận được tiền đền bù, các gia đình lớn phân chia hết cho các con. Để một bọc tiền thì to chứ chia ra thì mỗi gia đình trẻ chỉ được trên dưới trăm triệu, chẳng đáng là bao. Có tiền, người dân bắt đầu "xả hơi" bằng việc xây nhà, sắm ti vi, mua xe máy... Uớc tính mỗi ngôi "biệt thự" được xây dựng ở đây có giá từ vài trăm triệu tới trên tỷ đồng mới đẹp đến thế. Cùng thôn An Thọ, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Lục năm nay đều ở tuổi 70, chủ nhân của căn nhà 3 tầng mới khang trang tâm sự, năm 2008, gia đình ông nhận 270 triệu đồng tiền đền bù cho 6 sào đất canh tác, vừa đủ để xây ngôi nhà này.

Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Huy Hoán thừa nhận: Toàn xã An Khánh có 510ha đất sản xuất nông nghiệp, theo quy hoạch sẽ phải thu hồi 100% nhường cho các dự án phát triển kinh tế xã hội và mở mang đô thị. Từ năm 2000 đến nay An Khánh đã có nhiều dự án tiến hành thu hồi 350ha tại 5 thôn. Hiện tại chỉ còn thôn Ngãi Cầu còn đất sản xuất nhưng cũng chỉ nay mai diện tích này cũng sẽ được thu hồi để nhường chỗ cho các khu đô thị, nhà máy, xí nghiệp…  Ở một xã thuần nông, An Khánh đã bất ngờ xuất hiện nhiều "triệu phú" nông dân. Họ trở nên giàu có "bất đắc dĩ" bởi hầu hết nhà nào cũng có tiền bồi thường thu hồi đất. Nhà ít cũng vài trăm triệu còn nhiều thì lên tới hàng tỷ đồng. Hầu hết người dân giàu lên nhờ từ tiền đền bù đất nông nghiệp và bán đất dịch vụ 10% (diện tích đất người dân được nhận lại từ khu công nghiệp để làm đất dịch vụ), chứ ít nhà giàu có do sản xuất, kinh doanh mà có.

… và những mảng màu kém tươi
Sống trong "biệt thự" nhưng nhiều hộ dân An Khánh đã rơi vào cảnh nghèo khó bởi phải lo "chạy ăn từng bữa" khi kế sinh nhai không còn. Trong khi người dân chưa tìm được việc làm thay thế thì một nghịch lý lại diễn ra đó là các lớp dạy nghề, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề được mở ra đều thất bại. Riêng năm 2010, xã An Khánh đã mở hai đợt tuyển sinh dạy nghề may công nghiệp, trồng hoa cây cảnh, điện dân dụng và hàn tiện... Mặc dù được đào tạo miễn phí, hỗ trợ tiền ăn trưa, song tuyên truyền, vận động mãi vẫn chẳng ai đăng ký - ông Nguyễn Huy Hoán, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Không phải người dân không muốn học nghề, trái lại họ rất mong mỏi có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, học nghề xong liệu có tìm được việc làm? Đồng lương có bảo đảm? Chị Nguyễn Thị Hoa thôn An Thọ chua xót: "Học xong lớp dạy nghề may, tôi xin vào làm công nhân của một công ty đóng trên địa bàn, mong ước sau này về già sẽ có đồng lương hưu từ đóng bảo hiểm. Nhưng sau 6 năm gắn bó với doanh nghiệp, tôi vừa phải nghỉ làm để về nhà mở quán bán nước trà vì đồng lương quá ít ỏi, chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, trong khi giá cả sinh hoạt đều tăng cao, không thể đủ trang trải cuộc sống gia đình."

Trong khi đó, các nghề nông nghiệp được dạy như trồng cây cảnh cũng không hấp dẫn lao động bởi thiếu đất trồng. Hầu hết học viên sau khi học đều không mở rộng đầu tư theo hướng hàng hóa mà chỉ trồng vài cây cảnh nhỏ lẻ để chơi ở nhà… Trong khi đó, dự án Cụm công nghiệp An Khánh được phê duyệt năm 2001 thì năm ngoái đã chính thức chuyển thành dự án đô thị, niềm hy vọng được tuyển vào làm việc tại cụm công nghiệp của người dân cũng… mất hút theo.

Theo thống kê của UBND xã An Khánh, năm 2008, cả  xã có gần 8 ngàn người trong độ tuổi lao động, trong đó có tới 5 ngàn người thiếu việc làm; khoảng 1.000 - 2.000 lao động phải rời quê đi buôn thúng bán bưng, hoặc đi làm thợ xây dựng ở khắp nơi. Năm nay, mặc dù chưa có thống kê nhưng số người thất nghiệp của cả xã vẫn rất lớn, đặc biệt là lao động ở tuổi trung niên. Do thiếu việc làm nên tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Cả xã đã có 20 người mắc tệ nghiện hút. Không việc làm, tiền dốc sạch ra làm nhà và mua sắm, khiến nhiều gia đình tuy sống trong "biệt thự" mà vẫn phải chạy ăn từng bữa đang là một thực tế buồn. Một cuộc sống mới, có việc làm và thu nhập ổn định vẫn chỉ là mong ước và niềm đau đáu của các hộ dân nơi đây.

Nguyễn Mai